Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một đợt bùng phát virus mới, sau khi Ghana ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virs Marburg. Được biết, đây là lần đầu tiên virus gây chết người giống virus Ebola được tìm thấy ở quốc gia Tây Phi và là lần thứ hai nó xuất hiện trong khu vực.
Theo RT, trong một bài viết công bố hôm 17/7, WHO cho hay mẫu máu của hai người 26 tuổi và 51 tuổi ở Ashanti (Ghana) lấy vào tháng 6/2022 cho thấy cả hai đều nhiễm virus Marburg. Hai bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn và tử vong trong vòng 1 ngày sau khi nhập viện vào cuối tháng 6.
Ít nhất 90 người từng tiếp xúc với hai bệnh nhân nói trên đã được xác định và đang được giới chức y tế khu vực cũng như WHO theo dõi. WHO đang hỗ trợ cho Ghana bằng cách cung cấp thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, truy tìm người tiếp xúc và nâng cao sự nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và nguy hiểm của bệnh này.
Marburg là loại virus hiếm gặp nhưng có khả năng lây nhiễm cao. Ảnh: Getty Images
“Giới chức y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này là cần thiết bởi nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó”, TS Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO khu vực châu Phi, chia sẻ.
Được biết, Marburg là loại virus hiếm gặp nhưng có khả năng lây nhiễm cao, gây bệnh sốt xuất huyết và cùng họ với Ebola. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Marburg là “virus RNA độc nhất về mặt di truyền của động vật thuộc họ filovirus”.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và khả năng kiểm soát ca mắc. Loại virus này có thể đã được truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi, không phải là bệnh lây truyền qua không khí.
Marburg có thể dễ dàng lây nhiễm từ một người mắc bệnh sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu, các bề mặt và vật liệu bị ô nhiễm. Người thân và nhân viên y tế là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì họ tiếp xúc gần bệnh nhân, thi thể vẫn có thể phát tán virus cho người chôn cất.
WHO cho biết bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu, nhức cơ, chuột rút. Với những trường hợp tử vong, bệnh nhân thường qua đời vào ngày thư s8-9 sau khi khởi phát triệu chứng. Trước khi tử vong, người bệnh bị mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan.
CDC Mỹ lưu ý, khoảng ngày thứ 5, bệnh nhân có thể xuất hiện phát ban không ngứa trên ngực, lưng hoặc dạ dày. Người bệnh có thể xuất huyết trong và ngoài trong vòng 7 ngày kể từ khi mắc bệnh. Chẩn đoán lâm sàng của Marburg "có thể khó khăn" với nhiều triệu chứng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus chính thức cho bệnh do virus Marburg gây ra. Dù vậy, các biện pháp chăm sóc hỗ trợ có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Người bệnh sẽ được truyền nước, duy trì nồng độ oxy, sử dụng thuốc điều trị từng triệu chứng. Một số chuyên gia y tế cho biết các loại thuốc dùng cho Ebola có thể mang tới hiệu quả cho người bị nhiễm Marburg.
Một số phương pháp điều trị hiện đang được thử nghiệm trên động vật, chưa có phương pháp nào tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. WHO cho biết các mẫu virus được thu thập từ bệnh nhân để nghiên cứu có "nguy cơ nguy hiểm sinh học đặc biệt", việc kiểm tra cần phải thực hiện trong phòng thí nghiệm với điều kiện bảo vệ tối đa.
WHO thông tin thêm, đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên ghi nhận tại Đức vào năm 1967. Kể từ đó, các đợt bùng phát tiếp theo và ca bệnh lẻ tẻ đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Đợt bùng phát dịch bệnh gây chết người nhiều nhất cho đến nay là ở Angola vào năm 2005, khi trên 200 người tử vong sau khi mắc bệnh.
Đinh Kim (T/h)