Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VIMC - 29 năm một hành trình “vượt sóng”

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi trong nước và quốc tế.

Những bước chuyển mình ấn tượng 

Năm 1995, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vinalines) được thành lập theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hoạt động trong cả 3 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.  

Tại thời điểm thành lập, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bao gồm 24 doanh nghiệp thành viên, với đội tàu 49 chiếc có tổng trọng tải khoảng 400.000 DWT, hệ thống cảng biển với 6.900m cầu bến và tổng số vốn nhà nước gần 1.500 tỷ đồng. 

Trải qua 29 năm hình thành và phát triển VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi toàn cầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam

Ngày 30/9/2018 là dấu mốc quan trọng khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty từ Bộ  về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Với những nỗ lực và quyết tâm hành động ngay từ ngày đầu thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động.  

Qua đó góp phần nhanh chóng tạo nên sự ổn định trong công tác điều hành xuyên suốt từ Ủy banQuản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến Tổng công ty, từng bước khẳng định vai trò của một cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Ngày 18/8/2020, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới khi chính thức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-CTCP với tên giao dịch quốc tế là VIETNAM MARITIME CORPORATION (VIMC) đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đánh dấu thành qua đáng nhớ sau 4 năm nỗ lực trải qua nhiều khó khăn của toàn thể doanh nghiệp. VIMC đã trở thành công ty đại chúng quy mô lớn, tuân thủ theo các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam. 

Sau gần 5 năm chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC từng bước phục hồi, phát triển. Các hoạt động kinh doanh chính như: Cảng biển, Vận tải biển dần mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp ngăn được đà thua lỗ triền miên, thoát khỏi nguy cơ phá sản của giai đoạn trước. 

Nếu giai đoạn 2011 - 2015, khoản lỗ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lên tới 18.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi. Giai đoạn 2015 - 2022, lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 9.800 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện tại đã tăng lên 13.800 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2015. 

Từ năm 2020 - 2022, Tổng doanh thu toàn VIMC đạt 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Doanh thu thực hiện hàng năm đều tăng hơn 50% so với kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2022 tăng 38% so với năm 2020. 

Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần so với năm 2020 và lọt vào Top 50 doanh nghiệp, có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là trên 5%/năm. 

Tại thời điểm thành lập, VIMC bao gồm 24 doanh nghiệp thành viên, với đội tàu 49 chiếc có tổng trọng tải khoảng 400.000 DWT, hệ thống cảng biển với 6.900m cầu bến và tổng số vốn nhà nước gần 1.500 tỷ đồng

Những năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải…  Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế. 

Quý I/2024, VIMC ghi nhận doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 576 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế thu về 479 tỷ đồng, tăng 21% so với quý I/2023, trong đó lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 342 tỷ đồng. Kết quả này giúp VIMC chính thức xoá sạch lỗ luỹ kế sau rất nhiều năm. 

Lãnh đạo VIMC cho biết, có được thành tích nổi bật nêu trên là nhờ sự nỗ lực chung của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên VIMC đã luôn đoàn kết, thống nhất và đồng hành vì lợi ích chung và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.  

Cho đến nay, VIMC đã hoạt động ổn định theo mô hình công ty cổ phần và đã đạt được thành tựu nhất định trong hoạt động kinh doanh trong những năm vừa qua. Đó là những điều kiện thuận lợi để Tổng công ty tiếp tục tăng trưởng và phát triển và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. 

Vững thế "kiềng 3 chân" 

Theo Chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, VIMC đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: Hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ, …; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam

Hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, theo lãnh đạo VIMC, Tổng công ty tiếp tục duy trì 3 lĩnh vực cốt lõi là phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là các dự án cảng nước sâu; phát triển đội tàu biển, đầu tư đội tàu hàng rời và container phù hợp với thị trường; Phát triển, nâng cấp trên nền tảng công nghệ hệ thống kho bãi logistics tích hợp trên toàn quốc. 

Tại khu vực Hải Phòng, định hướng tập trung dự án Đầu tư xây dựng bến 3, 4 cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo. 

Tại miền Trung, đầu tư chiều sâu Cảng Đà Nẵng, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa. VIMC cũng đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm logistics tại Hòa Vang để kết nối, giảm lưu lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa, nghiên cứu phát triển các bến tàu khách. 

Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1 Cảng Quy Nhơn; hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn II ở khu vực TP.HCM; huy động nguồn lực, hợp tác với MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ... 

Trong lĩnh vực vận tải biển, do đội tàu đã già nên ngoài thanh lý 24 tàu già, "ông lớn” ngành hàng hải dự kiến đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 DWT. Mục tiêu đến năm 2025, đội tàu của VIMC có 40 tàu với tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. 

Để đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ hàng hải, doanh nghiệp sẽ phát triển cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án ICD, depot, trung tâm phân phối, logistics... tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM, ĐBSCL nhằm kết nối với hệ thống cảng biển hiện có, kéo dài chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. 

Dự kiến đến năm 2025, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics gồm kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5 - 10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus. 

Con người là cốt giá trị cốt lõi 

Ngoài đầu tư đẩy mạnh kinh doanh, yếu tố cốt lõi là nguồn nhân lực của được VIMC chú trọng.  VIMC cho biết sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ, quản trị doanh nghiệp; đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài phục vụ cho đổi mới sáng tạo. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nhân tài trong toàn Tổng công ty và triển khai thực hiện, trọng tâm phát triển đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao. Tiếp tục rà soát, thực hiện đánh giá, sàng lọc, lựa chọn nhân sự tiềm năng, có triển vọng để thực hiện luân chuyển nhằm đào tạo, huấn luyện, thử thách để phát triển. 

VIMC xác định, nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi của Tổng công ty

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động học tập và đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của người lao động; tiếp tục duy trì và phát huy văn hóa đào tạo huấn luyện nội bộ toàn Tổng công ty, xây dựng một đội ngũ chuyên gia đào tạo nội bộ VIMC là đội ngũ lãnh đạo của Tổng công ty và các cán bộ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đến từ các cơ quan văn phòng và các doanh nghiệp thành viên; đưa vào các mô hình, phương pháp đào tạo mới theo xu hướng hiện đại: phương pháp đào tạo 70:20:10, đào tạo on job, coaching, mentoring, elearning,... 

Đẩy mạnh công tác tạo nguồn ứng viên chất lượng cao thông qua việc tiếp tục triển khai chương trình thực tập sinh Intership mùa 2 để thu hút và phát hiện những “hạt giống” tốt cho dự án “ươm mầm tài năng” của VIMC, chuẩn bị cho nguồn nhân sự chất lượng cao 10 - 15 năm tới; tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo trong toàn quốc để hướng nghiệp, thu hút sinh viên giỏi, quảng bá thương hiệu tuyển dụng. 

Thiết kế các chương trình đãi ngộ, các chương trình phúc lợi theo hướng đa dạng hóa, ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý trong việc phát triển và gìn giữ nhân sự và đảm bảo cân bằng công việc - cuộc sống để nâng cao hiệu suất làm việc và duy trì sự bền vững. 

Nghiên cứu và triển khai xây dựng thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp, nhất quán trước mắt tại Cơ quan Văn phòng Tổng công ty sau đó triển khai rộng trên toàn hệ thống của VIMC, theo đó xây dựng định vị thương hiệu nhà tuyển dụng chuyên nghiệp để tạo dấu ấn trên thị trường và tác động tích cực đến hoạt động thu hút nhân tài của Tổng công ty. 

Tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống hệ thống quy trình, quy chế theo hướng hiệu quả, linh hoạt, tháo gỡ các khó khăn, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và tạo động lực cho người lao động như cải tiến quy chế quản trị lao động tiền lương đối với các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty, quy chế trả lương cho khối cơ quan văn phòng tổng công ty sau thời gian đưa vào triển khai áp dụng thời gian qua; xây dựng các quy trình tiếp nhận và quản lý thực tập sinh… 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số - đổi mới sáng tạo

Về chuyển đổi số, VIMC cho biết tất cả thành viên của Tổng công ty đều áp dụng quy trình Marketing và Chăm sóc khách hàng được số hóa bằng hệ thống phần mềm CRM tập trung. Đưa vào vận hành hệ thống Logistics Hub cho ít nhất 3 đơn vị trong hệ sinh thái gồm cảng biển, vận tải biển và logistics. Triển khai hệ thống quản lý kho bãi cho các đơn vị Vimadeco, VOSA, VIMC Logistics. 

Công tác đổi mới sáng tạo, Kaizen (phương pháp cải tiến liên tục) sẽ đi sâu hơn vào chất lượng và hiệu quả áp dụng các sáng kiến, đo lường và tính toán mức độ làm lợi của các sáng kiến làm căn cứ giao KPI cho các doanh nghiệp thành viên. Dự kiến phấn đấu đạt 2.000 sáng kiến, trong đó 1.500 sáng kiến áp dụng thành công và đem lại giá trị kinh tế khoảng 20 tỷ đồng. 

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, VIMC tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra, góp phần xây dựng Tổng công ty trở thành một Tổng công ty hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, có bước phát triển nhanh và bền vững.

Tin nổi bật