Được biết, đất này là đặc sản ở vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ở đây, có một ngôi làng được gọi với cái tên kỳ lạ là "làng ăn đất" hay "làng ăn đặc sản". Dù lớp trẻ ở làng ngày nay không còn ăn đất phổ biến như trước nhưng những người cao tuổi ở đây vẫn xem đất ngói là món ăn khoái khẩu, không thể thiếu mỗi ngày. Nhiều người vẫn hun khói đất để ăn như ăn kẹo.
Theo đó tục ăn đất ở đây có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng đã có từ rất lâu.
Đất cao lanh là một loại đất sét có màu trắng, rất bở và có thể chịu được nhiệt độ cao. Thành phần chủ yếu trong loại đất này là kaolinit và một số những khoáng vật khác. Cao lanh được cho là an toàn với con người. Ảnh: Lao Động.
Người cao niên trong làng tiết lộ, từ khi sinh ra, họ đã thấy cha, ông thường ngày vẫn hay cầm miếng đất ngói ăn ngấu nghiến. Đất ở đây là món quà vặt như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo…
Loại đất mà người dân ở vùng Lập Thạch dùng để ăn không phải đất bình thường dùng trồng trọt cây cối ở vườn mà là loại đất đặc biệt, được gọi với tên gọi là đất ngói (hay đất cao lanh). Loại đất này chỉ có thể tìm thấy ở vùng Lập Thạch.
Đặc điểm của đất ngói là giòn, có màu trắng ngà, chịu được nhiệt độ cao. Để ăn được, người dân sẽ chặt thành từng miếng nhỏ, cạo hết bên ngoài và chỉ lấy phần trắng bên trong, sau đó đem hun trên khói rơm để "làm chín". Loại đất này khi ăn có mùi của khói, thơm thơm mà cũng hắc hắc, vị bùi và có chút mặn. Với những người mới ăn có thể thấy nó chẳng ngon tí nào cả, thế nhưng với nhiều người dân ở đây thì lại là cả một ký ức, lâu không ăn sẽ thấy "quen mùi nhớ miếng".
Thành phần chủ yếu trong loại đất này là kaolinit và một số những khoáng vật khác. Cao lanh được cho là an toàn với con người.
Đất ngói có thể tìm thấy trên nhiều ngọn núi nhưng do việc khai thác diễn ra qua nhiều đời nên hiện nay số lượng chỉ còn rất ít. Ảnh: Internet.
Trước đây, đất ngói có thể tìm thấy trên nhiều ngọn núi nhưng do việc khai thác diễn ra qua nhiều đời nên hiện nay số lượng chỉ còn rất ít. Muốn lấy được đất ngói phải đào hố sâu 3-7m, đến khi gặp những vỉa đất màu trắng như cục phấn mới có thể ăn được. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một, cho vào rổ đưa cho người trên bờ.
Đất ngói có hai màu có thể dùng để ăn là màu trắng sữa như bánh khảo và màu xanh như chè lam. Theo kinh nghiệm, người khỏe răng có thể ăn được ngói màu xanh lam, người già chỉ ăn ngói màu trắng sữa. Đất ngói xanh ăn sẽ ngậy hơn nhưng cứng.
Hiện giá bán loại đất này sau khi đã hun khói vào khoảng 150.000 đồng/0,5kg.
Thùy Dung (T/h)