Việc dùng trẻ em đi ăn xin để kiếm lợi có phạm tội không?
Căn cứ vào Điều 12 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền sống của trẻ em:
Quyền sống
Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.
Điều 26 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động của trẻ em:
Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Và Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc của trẻ em:
Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Vậy, việc dùng trẻ em đi ăn xin để kiếm lợi là hành vi vi phạm pháp luật vì nó xâm phạm vào quyền sống và quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc của trẻ em và là hành vi bốc lột sức lao động của trẻ em.
Việc dùng trẻ em đi ăn xin để kiếm lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa
Mức phạt hành chính cho việc việc dùng trẻ em đi ăn xin để kiếm lợi là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 và Khoản 5, Điều 23, Chương II Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, giúp đỡ xã hội và trẻ em quy định về vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn như sau:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 điều này;
b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 và khoản 3 điều này.
Khoản 2 Điều 5 Nghị định số130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, giúp đỡ xã hội và trẻ em quy định về vi phạm quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt như sau:
2. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.
Như vậy, tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em theo các quy định được trích dẫn ở trên.