Theo báo Sức khỏe và Đời sống, tại tại Nghị định 168/2024 vừa được chính phủ ban hành, đã quy định về mức phạt 800.000 - 1.000.000 đồng với lỗi chở trẻ em trên ô tô không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.
Cùng mức phạt trên, khi vi phạm quy định trên ô tô, trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế, tài xế cũng sẽ bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng. Trong khi các hành vi khác tại Nghị định 168 được áp dụng từ năm 2025, thì hai nội dung này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.
Ngoài ra, tại Nghị định 168 còn quy định các hành vi Không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên ô tô không thắt dây đai an toàn, tại vị trí có trang bị dây đai an toàn, khi xe đang chạy cũng bị xử phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Nghị định 168/2024 đã quy định mức xử phạt vi phạm với lỗi chở trẻ em trên ô tô không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Ảnh: Công an nhân dân
Về vấn đề này, tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng nêu rõ: "Trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe chỉ có một hàng ghế); tài xế phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp".
Ngoài ra, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, sử dụng và hướng dẫn việc sử dụng các thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ em, nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa khi tham gia giao thông.
Về thiết bị an toàn cho trẻ em gồm một số loại như ghế nôi dành cho trẻ dưới một tuổi, cân nặng dưới 13 kg; ghế dành cho trẻ từ 1 đến 4 tuổi; ghế nâng và dây an toàn dành cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi; đệm nâng và dây an toàn cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi, cân nặng từ 22 đến 36 kg.
VnExpress thông tin, thống kê của WHO và UNICEF cho thấy ghế an toàn cho trẻ em có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn giao thông. Cũng theo các tổ chức này, ở các quốc gia phát triển, 90% cha mẹ thường xuyên sử dụng ghế an toàn cho trẻ, nhưng ở châu Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng, tỷ lệ này chưa đến 5%.
Một số quốc gia có thu nhập cao đã quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi. Ở Mỹ, luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ từ những năm 1980. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 4 tuổi giảm 45% từ năm 1975 đến 2017.
Tại Canada, luật bắt buộc từ năm 1976, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 9 tuổi giảm 60% trong giai đoạn 1979-2006. Australia bắt buộc từ năm 1971, tỷ lệ tử vong của trẻ giảm 80% trong giai đoạn 1970-2010. Tại Thụy Điển, luật bắt buộc từ năm 1975, tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm 90% trong giai đoạn 1970-2010.