Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VICEM “khai tử” hàng loạt đại lý cấp 1, ai được hưởng lợi?

(DS&PL) -

Trong những ngày qua nhiều đại lý cấp 1 của các công ty thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) có đơn khiếu nại về việc đơn vị này bất ngờ ra văn bản chỉ

Trong những ngày qua nhiều đại lý cấp 1 của các công ty thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) có đơn khiếu nại về việc đơn vị này bất ngờ ra văn bản chỉ đạo dừng bán sản phẩm xi măng cho những đại lý đã ký hợp đồng hết năm 2017.

Tổng giám đốc VICEM Trần Việt Thắng bất ngờ chỉ đạo “khai tử” các nhà phân phối xi măng

Ngày 8/3/2017, ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc VICEM đã ký Văn bản số 459/VICEM-QLTT&TH (Văn bản số 459) về việc hợp nhất thương hiệu xi măng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Theo nội dung văn bản này, VICEM thực hiện chiến lược thống nhất thương hiệu từ ngày 01/04/2017 tại các địa bàn Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La.

Văn bản số 459 của VICEM bất ngờ yêu cầu một số đơn vị thành viên dừng hợp đồng bán xi măng đã ký với đại lý cấp 1

VICEM yêu cầu các đơn vị triển khai ngay một số việc sau: Công ty CP xi măng Bỉm Sơn chịu trách nhiệm kinh doanh xi măng VICEM trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định. Công ty CP xi măng Bút Sơn chịu trách nhiệm kinh doanh xi măng VICEM trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Sơn La.

Công ty CP Thương mại Xi măng chịu trách nhiệm kinh doanh xi măng trên địa bàn Vĩnh Phúc. Riêng địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, từ ngày 01/4/2017 sẽ sử dụng thương hiệu xi măng Bỉm Sơn, trong 6 tháng cuối năm sẽ sử dụng thương hiệu VICEM. Các đơn vị khác thuộc VICEM sẽ không kinh doanh trên địa bàn này nữa.

Cũng theo nội dung Văn bản số 459, về nhãn hiệu vỏ bao PP theo mẫu VICEM đã được Tổng Công ty phê duyệt, các công ty: Bút Sơn, Hoàng Thạch, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hải Vân bàn giao hệ thống phân phối tại địa bàn Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị cho Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn.

Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn bàn giao hệ thống phân phối tại Hòa Bình, Sơn La cho Công ty CP Xi măng Bút Sơn. Công ty Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hải Phòng bàn giao hệ thống phân phối tại địa bàn Vĩnh Phúc cho Công ty CP Thương mại Xi măng.

Các công ty tiếp nhận hệ thống phân phối, tiến hành phân công địa bàn cho nhà phân phối chính để đến thời điểm 31/3/2017 có thể triển khai hệ thống kinh doanh mới theo nguyên tắc phân vùng như trên.

Hợp đồng mua bán xi măng có hiệu lực từ 01/01/2017 đến 31/12/2017

Phải dừng hợp đồng mua bán xi măng đã ký có hiệu lực đến hết năm 2017, các đại lý gửi đơn khiếu nại, kiến nghị đến các cơ quan chức năng và báo chí. Đơn cử như đơn khiếu nại của ông Vũ Xuân Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Bắc Huế (Công ty Bắc Huế) có nội dung: "Ngày 14/12/2016, Công ty chúng tôi đã ký kết Hợp đồng mua bán xi măng số 36/HĐ-BTS-XNT với Công ty CP Xi măng Bút Sơn thuộc VICEM, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2017. Nhưng đến nay (14/3-PV), VICEM chỉ đạo Công ty Xi măng Bút Sơn dừng hợp đồng từ ngày 01/4/2017. Điều bất thường là không cho công ty chúng tôi tiêu thụ xi măng Bút Sơn tại địa bàn huyện Hải Hậu và 6 xã tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định".

Đơn khiếu nại, đề nghị của đại lý cấp 1 gửi các cơ quan chức năng

Làm việc với phóng viên, ông Vũ Xuân Bắc, Giám đốc Công ty Bắc Huế cho biết, tại hội nghị khách hàng về tổng kết công tác tiêu thụ xi măng VICEM Bút Sơn ngày 24/12/2015, trả lời câu hỏi của khách hàng, có làm ăn được lâu dài với Công ty CP Xi măng Bút Sơn không? Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐQT VICEM đã phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, cam kết: “Bảo đảm lâu dài thị trường cho các nhà phân phối khi làm ăn lâu dài với xi măng Bút Sơn…”.

Tin tưởng vào lời hứa của ông Chủ tịch HĐQT VICEM, để thực hiện đúng hợp đồng, Công ty Bắc Huế đã đầu tư nhiều tỷ đồng để làm thị trường và hệ thống khách hàng trên địa bàn được phép bán sản phẩm xi măng đã ký với Công ty CP Xi măng Bút Sơn… Ông Vũ Xuân Bắc cho biết thêm: "Năm 2016, Công ty Bắc Huế đạt 132% mức tiêu thụ sản phẩm, đầu năm 2017, mức tiêu thụ xi măng của Công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh".

Nguy cơ phá sản, nợ nần

Công ty Bắc Huế cho rằng, Công ty CP Xi măng Bút Sơn dừng hợp đồng là không chính đáng, vi phạm nội dung hợp đồng Công ty Bắc Huế đã ký với Công ty CP Xi măng Bút Sơn, vi phạm Luật Thương mại và Luật Dân sự Việt Nam. Việc làm trên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của Công ty Bắc Huế. Hậu quả của nó là vô cùng lớn, hàng trăm công nhân bị mất việc làm, còn Công ty dẫn đến nguy cơ phá sản vì vay ngân hàng nhiều tỷ đồng để đầu tư kho bãi, phương tiện. Sau khi bị dừng hợp đồng, không được cung cấp sản phẩm xi măng Bút Sơn, khách hàng sẽ khởi kiện vì Công ty Bắc Huế vi phạm hợp đồng cung cấp sản phẩm xi măng thương hiệu Bút Sơn. Ngoài những khoản phải bồi thường thiệt hại nhiều tỷ đồng ra, Công ty Bắc Huế mất hết uy tín làm ăn với đối tác, nguy cơ phá sản là không tránh khỏi.

Trong đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí, ông Vũ Xuân Bắc, Giám đốc Công ty Bắc Huế yêu cầu Công ty CP Xi măng Bút Sơn tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký. Nếu không thực hiện, Công ty Bắc Huế sẽ khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo luật định.

Theo quy quy định của pháp luật, việc dừng hợp đồng mua bán xi măng để thống nhất thương hiệu đối với đại lý cấp 1 phải có lộ trình cụ thể, ít nhất phải thực hiện xong hợp đồng đã ký. Có như vậy đại lý mới thu hồi được công nợ, có thời gian thông báo trước cho đối tác về việc cung cấp xi măng, để tránh bị phạt do vi phạm hợp đồng đã ký với khách hàng.

Thiết nghĩ, với thương hiệu lớn như VICEM, nếu vi phạm hợp đồng, việc bị phạt tiền tỷ chưa phải là vấn đề lớn. Cái mất lớn nhất là mất uy tín, đạo đức, văn hóa kinh doanh trên thương trường của VICEM trong lúc xi măng sản xuất trong nước được dự báo là khủng hoảng thừa. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đại lý cấp 1, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, đề nghị Bộ Xây dựng vào cuộc làm rõ tính pháp lý của Văn bản số 459 do Tổng Giám đốc VICEM Trần Việt Thắng ký ban hành, tiếp tục cho phép các đại lý thực hiện hợp đồng đã ký với Công ty CP Xi măng Bút Sơn đến năm 2017, sau đó mới điều chỉnh hợp đồng do hai bên thỏa thuận.

Nhận xét về vụ việc này, Luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng VPLS Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) có quan điểm: Theo hợp đồng mua bán xi măng hai bên đã ký, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2017. Hợp đồng quy định rõ địa bàn, định mức tiêu thụ hàng tháng, quý, năm, có thưởng phạt rõ ràng, các đại lý cấp 1 phải nộp tiền bảo lãnh vào ngân hàng để bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Trong khi các đại lý cấp 1 không vi phạm hợp đồng, việc VICEM chỉ đạo dừng hợp đồng không thuộc trường hợp bất khả kháng, không có lý do chính đáng, không đàm phán là vi phạm Điều 177 Luật Thương mại, quy định về thời hạn đại lý. Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng đại lý bất cứ khi nào, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết và chỉ được chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày thông báo. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.

Trong trường hợp này, thời hạn hiệu lực của hợp đồng đến hết năm 2017, Công ty CP Xi măng Bút Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng, dừng thực hiện hợp đồng mua bán xi măng đối với đại lý cấp 1 sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại theo Điều 300 đến 310 BLDS, Điều 303 Luật Thương mại…Các đại lý bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Tại sao lại có chỉ đạo bất thường từ VICEM bằng văn bản để “khai tử” hàng loạt khách hàng quen thuộc của mình? Nhà phân phối nào được hưởng lợi? Được biết, ngày 14/10/2016, Thanh tra Bộ Xây dựng có Kết luận số 402 yêu cầu 20 công ty trực thuộc VICEM phải khắc phục hơn 326 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Kết luận của Thanh tra, đại diện phần vốn của VICEM từ năm 2014 trở về trước tại Công ty CP Thương mại Xi măng đã để phát sinh nhiều khoản công nợ phải thu với số tiền khó đòi hơn 36 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn của Nhà nước…

Trong giới kinh doanh xi măng phía Bắc nhiều người biết Công ty CP Thương mại Xi măng là đơn vị kinh doanh “tay không bắt giặc”. Đơn vị này không hề có phương tiện vận tải, không có hệ thống cửa hàng, không có lực lượng bốc xếp, để phát sinh nhiều khoản nợ khó đòi làm thất thoát vốn Nhà nước, nhưng vẫn được VICEM ưu ái giao nhiều địa bàn kinh doanh xi măng tại Hà Nội, Vĩnh Phúc?

Sau khi ký hợp đồng với các công ty sản xuất xi măng thuộc VICEM, Công ty CP Thương mại Xi măng lại ký hợp đồng với chính các nhà phân phối xi măng đã bị dừng hợp đồng. Như vậy qua đại lý trung gian, giá thành xi măng lại bị đẩy lên? Chúng tôi không hiểu cách kinh doanh lạ đời này, xin dành câu hỏi cho ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc VICEM trả lời.

Theo Công lý

Tin nổi bật