Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao vết thương ở người cao tuổi chậm lành?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Quá trình lành vết thương ở người cao tuổi sẽ chậm hơn, các giai đoạn phục hồi có thể kéo dài hơn so với người trẻ tuổi.

Theo thông tin trên VnExpress, quá trình hồi phục vết thương thông thường trải qua 3 giai đoạn chính, cụ thể như sau:

- Giai đoạn viêm: Cơ thể ngăn chặn sự mất máu bằng cách co mạch và hình thành cục máu đông. Cùng với đó, các tế bào miễn dịch di chuyển tới vùng bị thương nhằm loại bỏ vi khuẩn, tế bào chết.

- Giai đoạn tăng sinh: Cơ thể sẽ tạo mô hạt làm đầy vết thương, tái tạo da, mạch máu mới. Các nguyên bào sợi bắt đầu phân chia, tạo collagen và glycosaminoglycans, giúp cho ổn định vết thương. Khi này, vết thương sẽ bắt đầu khép lại và tái tạo da.

- Giai đoạn tái tạo: Phần lớn mạch máu, nguyên bào sợi, tế bào viêm ở vết thương sẽ biến mất, collagen dư thừa được tiêu hủy và vết thương bắt đầu lành, có thể phát triển thành sẹo.

Ở người cao tuổi, quá trình lành vết thương sẽ chậm hơn, các giai đoạn hồi phục nói trên có thể kéo dài hơn so với người trẻ tuổi. Liên quan đến vấn đề này, báo Lao Động dẫn thông tin từ trang Onlymyhealth cho hay, theo Tiến sĩ Joydeep Ghosh - Chuyên gia tư vấn - Nội khoa, Bệnh viện Fortis, Anandapur (Ấn Độ), quá trình chữa lành vết thương sẽ chậm lại khi già đi do theo tuổi tác, cơ thể con người trải qua những thay đổi sinh học nội tại, dẫn tới khả năng tái tạo da của cơ thể giảm đi.

Suy giảm chức năng miễn dịch

Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ vi khuẩn và tế bào chết, ngoài ra còn hỗ trợ trong quá trình tái tạo mô. Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ suy yếu khi bạn già đi, làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng cũng như xử lý các tác nhân xâm nhập vào vết thương.

Bên cạnh đó, khi hệ miễn dịch không hoạt động hiệu quả, cơ thể có thể sẽ không được bảo vệ tốt khỏi nhiễm trùng, dẫn tới quá trình lành vết thương chậm lại.

Quá trình lành vết thương ở người cao tuổi sẽ chậm hơn so với người trẻ tuổi. Ảnh minh họa: PhotoAC

Suy giảm khả năng tái tạo tế bào

Khả năng tái tạo tế bào giảm dần khi bạn già đi. Các tế bào da mới (keratinocytes), tế bào miễn dịch (macrophages) và tế bào mô liên kết (fibroblasts) cần thiết đối với quá trình lành vết thương không phát triển, phân chia nhanh chóng như khi còn trẻ.

Khi tuổi tác tăng lên, cơ thể cũng sản xuất ít collagen hơn, làm giảm khả năng hồi phục và khiến vết thương khó lành hơn. Được biết, collagen là một protein quan trọng giúp làm lành vết thương, duy trì tính đàn hồi của da.

Giảm lưu thông máu

Các mạch máu trở nên kém linh hoạt và hẹp lại khi bạn già đi, làm giảm lưu lượng máu tới các mô, khiến cho việc cung cấp oxy cùng các dưỡng chất cần thiết cho quá trình lành vết thương trở nên kém hiệu quả. Mạch máu không được cung cấp đủ máu cũng có khả năng làm chậm quá trình phục hồi.

Các bệnh lý mạn tính

Bệnh tiểu đường: Người lớn tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường hơn và bệnh này có thể làm giảm khả năng lành vết thương. Đường huyết cao làm giảm khả năng chống nhiễm trùng cũng như sự tái tạo mô.

Bệnh tim mạch: Các bệnh lý tim mạch có thể ảnh hưởng tới lưu thông máu và làm chậm quá trình hồi phục do máu không được cung cấp đủ tới các vùng bị thương.

Cao huyết áp: Tăng huyết áp cũng có thể tác động đến tuần hoàn máu, làm giảm tốc độ lành vết thương.

Sự thay đổi về mặt dinh dưỡng

Khả năng hấp thụ dinh dưỡng có thể giảm khi tuổi tác tăng lên, đặc biệt là vitamin và khoáng chất cần thiết đối với quá trình lành vết thương. Việc thiếu vitamin A, vitamin C, vitamin E, kẽm và protein có thể làm chậm quá trình tái tạo mô, phục hồi vết thương.

Ngoài ra, người lớn tuổi có thể không có chế độ ăn uống đầy đủ hoặc là gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.

Sự thay đổi trong cấu trúc da

Khi bạn già đi, da sẽ mất dần độ đàn hồi và khả năng bảo vệ. Làn da trở nên mỏng và khô hơn, khiến cho quá trình làm lành vết thương khó khăn hơn. Các tế bào da không còn phân chia nhanh chóng, khả năng phục hồi từ những vết thương nhẹ cũng giảm đi.

Bên cạnh đó, làn da người già thường khô và thiếu độ ẩm. Điều đó làm giảm khả năng tái tạo da và làm vết thương dễ bị nứt nẻ hoặc là khó lành.

Tin nổi bật