Ngày 4/5, một tên lửa đạn đạo tầm xa do lực lượng Houthi ở Yemen phóng đi đã bất ngờ vượt qua được hai trong số những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới, THAAD của Mỹ và Arrow của Israel
Tên lửa này ngay sau đó rơi gần sân bay Ben Gurion, gây thương tích nhẹ cho 8 người và làm gián đoạn hoạt động của sân bay nhộn nhịp nhất Israel.
Đây là lần đầu tiên một tên lửa Houthi xuyên thủng được lớp phòng thủ nhiều tầng của Mỹ và Israel, trong bối cảnh lực lượng Houthi, gia tăng tấn công từ tháng 10/2023 với lý do ủng hộ người Palestine trong xung đột tại Dải Gaza.
Quân đội Israel (IDF) xác nhận đã nỗ lực đánh chặn nhưng không thành công, trong khi các báo cáo nội địa cho thấy cả 2 hệ thống THAAD và Arrow đều không phá hủy được mục tiêu.
Khoảnh khắc tên lửa Houthi đánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion của Israel hôm 4/5. Video: X/manniefabian
Yahya Saree, phát ngôn viên của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, cho biết họ đã khai hỏa "tên lửa đạn đạo siêu vượt âm", song không nêu cụ thể chủng loại. "Các hệ thống phòng không Mỹ và Israel đã không thể chặn tên lửa nhằm vào sân bay Ben Gurion", ông cho hay.
Amir Bar Shalom, nhà phân tích quân sự thuộc Đài phát thanh quân đội Israel, thừa nhận tên lửa này của Houthi vừa có độ chính xác cực cao vừa có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel.
"Chúng rất chính xác, và để đạt độ chính xác cao nếu phóng từ khoảng cách 2.000km thì thật ấn tượng", Bar Shalom nói. "Bạn phải chú ý mối đe dọa này. Chúng ta phải kiểm tra xem đó có phải là lỗi của chúng ta hay chúng ta có một loại mối đe dọa mới ở đây".
"Chúng ta sẽ đáp trả mạnh gấp 7 lần với bất cứ ai gây tổn thất cho Israel", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz tuyên bố.
Sức mạnh lá chắn phòng không bất khả chiến bại
Arrow-3 chính là phiên bản nâng cấp từ Arrow-2 với nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn, có khả năng đánh chặn các đạn tên lửa đối phương ở độ cao lên tới 100km và kết cấu hệ thống nhỏ gọn hơn. Đơn giá mỗi đạn tên lửa đánh chặn ước tính tới 2,2 triệu USD.
Thành phần cơ bản của mỗi tổ hợp Arrow-3 gồm: Radar cảnh giới nhìn vòng EL/M-2080 Super Green Pine có tầm trinh sát ở cự ly tới 1.000km; trung tâm chỉ huy điều khiển; trung tâm giám sát phóng đạn và các xe bệ phóng với 6 đạn tên lửa trên mỗi xe.
Các tổ hợp Arrow-3 và Arrow-2 có thể kết nối với nhau - nhờ tương thích về công nghệ - để tăng phạm vi cảnh giới cũng như tỷ lệ đánh chặn thành công. Chúng có thể phối hợp với các tổ hợp David's Sling (tầm trung) và Iron Dome (tầm ngắn) để tạo thành lưới lửa đa tầng, bảo vệ lãnh thổ Israel.
"Rồng lửa" Arrow 3 là hệ thống đánh chặn tầm xa cực nguy hiểm được Mỹ hợp tác với Israel phát triển. Ảnh minh họa
Tổ hợp THAAD của Mỹ đang triển khai ở Israel là vũ khí phòng thủ tên lửa được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu bay đạn đạo của đối phương ở độ cao 150-200km, tức tầng cao nhất của khí quyển Trái đất.
THAAD dùng phương thức đánh chặn độc đáo là xuyên phá động năng. Theo đó, đầu đạn lao thẳng vào mục tiêu, phá hủy nó một cách trực tiếp thay vì tạo ra hình phễu gồm hàng nghìn mảnh văng chụp lấy mục tiêu. Điều này khác biệt hoàn toàn so với các lá chắn tên lửa chiến thuật - chiến lược trên thế giới.
Lý do thất bại là gì?
IDF thông báo nguyên nhân liên quan tới sự việc ngày 4/5 là tên lửa phòng không gặp sự cố kỹ thuật. "Điều tra sơ bộ cho thấy không có trục trặc nào đối với quy trình phát hiện, hệ thống đánh chặn hay cơ chế báo động của quân đội", IDF nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Faisal Al-Hajri, nhà phân tích quân sự người Kuwait, cho rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hạn chế của radar trong mạng lưới phòng không Israel.
Ông Al-Hajri nhận định các hệ thống phòng không Israel được thiết kế để ứng phó mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) lớn như máy bay và sẽ gặp nhiều thách thức khi phải đối đầu với tên lửa đạn đạo
"Tên lửa đạn đạo có RCS nhỏ hơn nên tín hiệu phản xạ thường yếu hoặc thậm chí không có. Chúng cũng sở hữu tốc độ rất cao, khiến các tổ hợp tại Israel gặp khó khăn khi đánh chặn, dù nhà sản xuất tuyên bố những hệ thống như Arrow có khả năng bắn hạ loại mục tiêu này", ông Al-Hajiri nêu quan điểm.
Tên lửa đạn đạo Quds-5 của Houthi trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Getty.
Song nhà phân tích người Kuwait khẳng định tên lửa đạn đạo tầm xa của Houthi và Iran thường mang đầu nổ cỡ nhỏ để tăng tầm bay, khiến sức sát thương của chúng giảm đáng kể. "Đòn đánh vào sân bay Ben Gurion gây thiệt hại hạn chế do tên lửa có đầu đạn nhỏ và hệ thống dẫn đường kém chính xác. Nó chủ yếu mang lại tác động về tâm lý hơn là quân sự", Al-Hajri cho hay.
Theo gới chuyên gia, quân đội Israel sẽ phải phân tích kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vụ đánh chặn thất bại, trong đó có thời điểm mạng lưới radar cảnh giới bắt đầu phát hiện mục tiêu, hệ thống nào nhận diện quả đạn và tên lửa đánh chặn đã đến gần mối đe dọa tới mức nào.