Nhân duyên với thú nuôi chim từ thuở nhỏ
Trên mảnh đất Quảng Nam đầy nắng gió, một cậu bé 11 tuổi đã nhen nhóm trong mình tình yêu thương dành cho những chú chim nhỏ bé. Đó chính là Bs Nhân, người đàn ông sau này được mệnh danh là "người cha của loài chim quý".
Bs Nhân nhớ lại: "Ngày ấy, khi được tự tay chăm sóc và ngắm nhìn những chú chim chào mào ríu rít quanh mình như những người bạn nhỏ, lòng tôi lại dâng lên một niềm vui khó tả. Niềm vui ấy len lỏi vào tâm hồn, gieo mầm cho một tình yêu thương lớn lao, gắn bó với những chú chim bé nhỏ."
Người bác sĩ dành trọn tâm huyết để nhân giống và bảo tồn chim quý
Bs Nhân đạt giải tại cuộc thi chim hót ở Hội Hoa Xuân lần thứ 44
Vài năm trước, khi phong trào nuôi chim cảnh sinh sản và chim đột biến chưa phát triển, một số người bán những cá thể chim quý hiếm ra nước ngoài làm “chảy máu” những nguồn gen quý giá của đất nước. Những cá thể chim quý hiếm được người nước ngoài mua lại, nhân giống rồi bán ngược lại cho dân chơi chim cảnh Việt Nam với giá cao. Hơn nữa, những chú chim này khi về Việt Nam được gắn mác là “chim ngoại” mà đáng lý ra nó phải được mang “quốc tịch” Việt Nam. Chứng kiến thực trạng ấy, Bs Nhân không đành lòng.
Ông bắt tay vào hành trình bảo tồn và nhân giống những cá thể chim chào mào đột biến, góp phần gìn giữ nguồn gen quý hiếm cho đất nước. Với lợi thế là một bác sĩ, có am hiểu về di truyền nên Bs Nhân đã áp dụng những kiến thức y khoa vào việc chăm sóc và nhân giống các cá thể chim này.
Bằng khen danh giá dành cho Bs Nhân trong cuộc thi chim hót
Những chú chim chào mào đầu tiên được ông đưa về từ những người bạn trong giới chơi chim cảnh. Bs Nhân cho biết: có những dòng chim chào mào mà toàn Việt Nam chỉ có vài cá thể, thậm chí có dòng chỉ có cá thể chim bố mà không có cá thể chim mẹ… nhưng với niềm đam mê mãnh liệt cùng với kiến thức y khoa, Bs Nhân đã nhân giống thành công 20 cá thể chim con thế hệ F2 giống hệt chim bố và 40 cá thể F1 mang nguồn gen quý hiếm.
Bs Nhân tâm sự: “Sau nhịp sống hối hả khi lao đầu vào công việc, chính niềm đam mê với loài chim chào mào khiến tôi như tìm về “ốc đảo” bình yên của chính bản thân mình. Tiếng chim chào mào hót vang vọng như một bản nhạc du dương, đánh thức mọi giác quan. Tôi say mê nghe tiếng hót ấy, càng say mê tôi càng tìm hiểu sâu và dấn thân vào hành trình chăm sóc, nhân giống và bảo tồn loài chim này”.
Bs Nhân và chiến tích tại Hội Hoa Xuân lần 44
Không chỉ bảo tồn, Bs Nhân còn phối giữa các dòng khác nhau để tạo ra những dòng mới chưa từng có trong tự nhiên như chào mào đầu trắng mình vàng, chào mào sư tử,… Cho đến nay, sau gần 10 năm miệt mài bảo tồn và nhân giống chim quý, Bs Nhân đã sở hữu gần 300 cá thể chim quý hiếm.
Góp một thanh âm trong Hội hoa xuân
Hội hoa xuân lần thứ 44 được tổ chức tại công viên Tao Đàn kéo dài từ ngày 6/2 đến 15/2/2024 quy tụ nhiều nghệ nhân sinh vật cảnh với các tác phẩm bonsai, hoa cảnh, cá cảnh, gỗ lũa… và đặc biệt bên cạnh đó còn có các nghệ nhân chơi chim cảnh tham gia. Việc các nghệ nhân chơi chim tham gia triển lãm trong Hội hoa xuân đã góp thêm một thanh âm tươi vui, gây niềm thích thú cho khách du xuân, làm phong phú thêm không khí lễ hội tại thành phố mang tên Bác.
Bs Nhân nâng niu những chú chim do bản thân chăm sóc
Bs Nhân cũng đem đến Hội hoa xuân lần này những chú chim chào mào đột biến mà ông rất tâm đắc. Không chỉ tạo ra được những cá thể chim độc lạ về hình thể, Bs Nhân còn huấn luyện để chim có tiếng hót hay, lảnh lót, điêu luyện hơn so với tiếng hót tự nhiên. 4 chú chim của ông dự thi lọt vào vòng chung kết cuộc thi chim hót thì 3 chú chim được Ban giám khảo chấm đạt giải chim có tiếng hót hay, trong đó có 1 chú đạt giải nhất và 2 chú đạt giải 3.
Cách đây 3 năm, cũng trong Hội hoa xuân tổ chức tại công viên Tao Đàn, Bs Nhân cũng từng đạt giải nhất cuộc thi chim hót với chú chim chào mào đen và lần này ông lại đạt giải nhất với chú chim chào mào đột biến. Tính đến nay, Bs Nhân là người duy nhất trong Hội hoa xuân đạt hai giải nhất cuộc thi chim hót.
Không chỉ thế, Bs Nhân còn khiến giới chơi chim cảnh ngả mũ thán phục khi từng xuất sắc đạt Giải Nhất, Giải Nhì, giải Ba tại Hiệp hội Chào Mào Việt Nam. Đây là những giải thưởng danh giá minh chứng cho sự nỗ lực, tài năng và niềm đam mê của ông dành cho loài chim chào mào.
Bs Nhân tự tay bón cho chim ăn
Gắn bó với thú vui tao nhã vì muốn được cống hiến cho cộng đồng
Thú chơi chim cảnh với Ts-Bs Võ Văn Nhân không chỉ đơn thuần là cách để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng mà còn là một hành trình cao cả: lai tạo, lưu giữ, bảo tồn những nguồn gen quý hiếm mà còn tạo ra những dòng độc lạ chưa có trong tự nhiên để cống hiến cho cộng đồng. Tâm nguyện của ông là tặng lại bộ sưu tập chim của mình cho một đơn vị nào đó có chức năng và đủ điều kiện chăm sóc, bảo tồn, đem trưng bày cho nhiều người cùng thưởng lãm chứ ông không muốn giữ cho riêng mình.
Viết Cương