Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

775 hòn đảo ở vịnh Hạ Long vẫn được gìn giữ, bảo tồn

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Hiện nay 775 hòn đảo lớn nhỏ ở vịnh Hạ Long vẫn được gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng về động, thực vật, nước, hang động…

Đây là thông tin được PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết tại hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP.Hạ Long" diễn ra chiều 15/12 tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh).

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Dân trí

Theo báo Dân trí, phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết, nhìn chung các di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường.

Sự đóng góp của di sản thế giới ở Việt Nam được biểu hiện trong việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, nhất là di sản thiên nhiên thế giới.

Theo bà Hiền, vịnh Hạ Long với khu vực vùng lõi có diện tích 434km2 và vùng đệm 306,5km2 gồm 775 hòn đảo lớn nhỏ vẫn được gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái về động, thực vật, nước, hang động, rừng, biển đã góp phần vào việc bảo vệ bền vững môi trường.

Tỉnh Quảng Ninh và TP.Hạ Long đã triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nước như thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải. Đáng chú ý, địa phương này đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước ở tất cả các tàu du lịch để đảm bảo môi trường,...

Về định hướng quản lý, bảo vệ trong thời gian tới, bà Hiền đề xuất Quảng Ninh cần khẩn trương lập quy hoạch vịnh Hạ Long theo trình tự quy định pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Quảng Ninh cần phối hợp với các cơ quan quản lý Quần đảo Cát Bà nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận hồi tháng 9", bà Hiền nêu đề xuất.

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Ảnh: Báo Giao thông

The báo Giao thông, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã chỉ rõ, TP.Hạ Long là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của Quảng Ninh với bề dày giá trị văn hóa.

Do vậy, hội thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; định hướng tu bổ, bảo tồn các giá trị văn hóa, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa; dựa trên nền tảng công nghệ số để sáng tạo các sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng bền vững…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh: Dân trí

Về phía tỉnh Quảng Ninh,  bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UND tỉnh khẳng định, TP.Hạ Long là một trong những vùng đất hình thành lâu đời nhất trên lãnh thổ Việt Nam. 

Nơi đây được đánh giá là một trong những nôi của người Việt cổ với ba nền văn hóa nổi tiếng tiếp nối nhau từ thời tiền - sơ sử là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. 

Đặc biệt, văn hóa Hạ Long là một trong 4 nền văn hóa biển có vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa tiền sử Việt Nam. 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Giao thông

Với chiều dài lịch sử như vậy, hiện nay, TP.Hạ Long có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có di tích quốc gia cấp đặc biệt là danh thắng vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích - lịch sử cấp tỉnh cùng hệ thống bảo vật quốc gia đặc biệt… 

TP.Hạ Long cũng có 11 lễ hội văn hóa truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. 

Đặc biệt, sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ, TP.Hạ Long đã có sự đa dạng hơn về hệ thống di tích lịch sử văn hóa, các tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng dân gian cũng như tập tục sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số...

"Thời gian qua, TP.Hạ Long đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc tổ chức hội thảo là nhằm lĩnh hội được những kiến giải, đề xuất về các giải pháp để thành phố bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, con người trong phát triển bền vững hơn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật