Theo báo Giao Thông, những trường hợp bị lực lượng chức năng địa phương tổ chức cưỡng chế trong ngày hôm nay, gồm: Hợp tác xã thủy sản Rồng Biển; Hộ ông Vũ Đình Sĩ và ông Nguyễn Đức Việt (ở phường Tuần Châu, TP Hạ Long).
Đây đều là những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển không có giấy phép, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa; Tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại đến cảnh quan, môi trường thiên nhiên Vịnh Hạ Long.
Trước khi tiến hành tổ chức cưỡng chế, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hạ Long đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã thủy sản Rồng Biển và 2 hộ dân nêu trên.
Đồng thời, đã nhiều lần nhắc nhở, vận động người dân nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, hợp tác xã Thủy sản Rồng Biển và các hộ nuôi trồng đã không tự nguyện tháo dỡ công trình nuôi trông thủy sản trái phép. Do đó, ngày 11/12, TP Hạ Long đã Thông báo về việc tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những trường hợp này.
Tại buổi cưỡng chế, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình nuôi trông thủy sản trên biển vi phạm. Ảnh: Giao Thông.
Tại buổi cưỡng chế, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình nuôi trông thủy sản trên biển vi phạm ở khu vực biển giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng. Dự kiến, thời gian thực hiện cưỡng chế sẽ diễn ra trong 10 ngày.
Đối với những công trình nuôi trồng thủy sản trái phép khác trên Vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, TP Hạ Long sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ, di dời. Nếu các hộ không tự nguyện tháo dỡ, di dời, thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ xử lý xong các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép, thông tin trên báo Quảng Ninh.
Thùy Dung (T/h)