Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, nhiều nhà xe ở phía Nam lập tức cháy vé dù phụ thu lên tới 60%. Thậm chí, nhiều hãng xe còn tự ý nâng giá cao gấp 3 bình thường nhưng người dân vẫn phải tranh giành mới mua được.
Theo ghi nhận của PV Dân Trí vào lúc 15h30 ngày 11/2 (mùng 7 Tết), một số nhà xe chạy tuyến Nha Trang – bến xe miền Đông, TP HCM dán thông báo hết vé ngày 11 và 12/2 (tức mùng 7 và mùng 8 Tết). Nhân viên bán vé nhà xe Liên Hưng cho biết, đến mùng 9 Tết mới có vé đi TP HCM.
Hiện giá vé niêm yết tuyến Nha Trang – TP HCM là 352.000 đồng/người (phụ thu 60%).
Nhiều nhà xe ở Nha Trang hết vé đi TP HCM trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 Tết. Ảnh: Dân Trí |
Tương tự, nhân viên nhà xe Quang Hạnh cũng cho biết hiện hết vé tuyến Nha Trang – TP HCM. Đến mùng 9 Tết mới có vé, giá 320.000 đồng/người (phụ thu 60%), còn sau ngày 16 tháng giêng mới giảm xuống 200.000 đồng/người. Còn nhân viên nhà xe Cúc Tùng cho biết, hiện chỉ còn 2 vé Nha Trang đi TP HCM, xuất bến vào 21h cùng ngày.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, đại diện bến xe phía Nam Nha Trang cho biết, từ ngày mùng 3 đến mùng 6 Tết, lượng khách qua bến đi các tuyến, trong đó đa phần đi TP HCM nhộn nhịp, trong đó ngày đông nhất là hơn 4.000 hành khách.
Cụ thể, ngày mùng 3 Tết, có 126 xe khách xuất bến, với hơn 2.700 hành khách; ngày mùng 4 Tết, có 172 xe khách xuất bến, với hơn 3.100 khách; ngày mùng 5 Tết, có 181 xe khách xuất bến, với hơn 3.600 hành khách; ngày mùng 6 Tết có 178 xe khách xuất bến, với hơn 4.000 khách.
Trong 2 ngày mùng 5 và mùng 6 Tết, các xe khách chạy tuyến Nha Trang – TP HCM đông hơn những ngày trước đó. Cụ thể, trong 2 ngày này, mỗi ngày có hơn 50 lượt xe khách tuyến Nha Trang – TP HCM xuất bến, với hơn 1.900 khách đi TP HCM/ngày.
Ga Nha Trang chật kín người sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi. Ảnh: Dân Trí |
Đại diện bến xe phía Nam Nha Trang cho biết, đa phần hành khách đã mua vé vào các tỉnh phía Nam từ trước Tết. Mặc dù nhiều nhà xe dán thông báo hết vé đi TP HCM nhưng đại diện bến xe cho rằng, lượng người đến hỏi mua vé đi TP HCM vào mùng 7, mùng 8 là không đáng kể.
Lợi dụng thời điểm này không ít nhà xe đã không niêm yết giá vé theo quy định và tự nâng giá vé bất thường khiến nhiều hành khách bức xúc, nhưng do nhu cầu đi gấp nên đành phải mua vé với giá cao.
Chia sẻ với PV VOV, anh Nguyễn Tĩnh, một hành khách cho biết, “Ngay trong bến xe khách Quảng Ngãi, các nhà xe đã tự nâng giá vé xe đi từ Quảng Ngãi đến TP Hồ Chí Minh lên 850.000 đồng/vé giường nằm. Trong khi đó, nếu chiếu theo các mức tăng giá vé xe sau tết từ 20%; 40% và 60% đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho phép thì tăng cao nhất cũng chưa đến 600.000 đồng/vé xe giường nằm”.
Theo quy định, các doanh nghiệp phải niêm yết giá vé công khai tại quầy vé. Thế nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện quy định này. Nhiều hành khách dù biết mua giá vé cao hơn quy định cũng phải đành chấp nhận.
Giá vé tăng gấp 3 vẫn không đủ phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Tài đi TP Hồ Chí Minh bức xúc: “Họ để giá 850.000 đồng. Nếu mà so với ngày thường thì đắt gấp 3 lần. Giờ họ bán sao mình đi vậy chứ giờ mình không mua vé thì mình chịu chứ cũng đâu có nói người ta được đâu”.
Theo giá vé xe tết đã được cơ quan chức năng phê duyệt thì mức tăng kịch trần cũng chỉ ở mức 60% so với giá vé xe đi lại ngày thường. Thế nhưng, nhiều nhà xe tự ý nâng giá vé xe tết một cách bất thường.
Nhiều hành khách phản ánh, mỗi nhà xe có một kiểu tăng giá vé xe tết khác nhau và hầu hết đều vượt quy định gấp 2, gấp 3 lần.
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ kiểm tra thông tin về việc nâng giá vé quá quy định và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm.
"Một vài doanh nghiệp đơn lẻ cũng có thể lợi dụng tình trạng này để mà găm vé hoặc là bán vé ngoài giá đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ và nếu có nhà xe nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Đạt khẳng định.
Nguyễn Phượng (T/h)