Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vé xe ngày Tết Kỷ Hợi 2019: Xuất hiện tình trạng khan hiếm, giá tăng

(DS&PL) -

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này đã xuất hiện tình trạng mua vé khó và giá vé xe cao hơn nhiều so với giá niêm yết.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này đã xuất hiện tình trạng mua vé khó và giá vé xe cao hơn nhiều so với giá niêm yết.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều hãng xe khách chạy tuyến Hà Nội đi các tỉnh miền Trung như, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... bắt đầu mở bán vé sớm.

Qua khảo sát một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh vừa chính thức mở bán, hầu như giá vé không thay đổi so với ngày thường. Giá dao động từ 200-250 nghìn đồng/vé. Các nhà xe này đều bán vé thông qua cả 2 hình thức là online và bán trực tiếp tại các điểm bán vé của hãng.

Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết tăng cao nên để mua được một chiếc vé, người có nhu cầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều người đã phải xếp hàng từ 4-5h sáng trước cửa điểm bán vé của các hãng xe để có thể "săn" được một chiếc vé về quê.

Hình ảnh xếp hàng mua vé xe khách từ 4-5h sáng tại một điểm bán vé trên đường Nguyễn Hoàng. Ảnh: Báo Lao Động.

Lý giải về việc phải vất vả "săn" vé xe từ rất sớm, nhiều người cho biết, càng sát ngày lễ thì giá vé sẽ có nguy cơ tăng cao, bị nhồi nhét khi lên xe và thậm chí là không còn vé để về.

Chia sẻ trên báo Lao Động, anh Thanh Hải cho biết: "Đi các xe uy tín thì luôn yên tâm về giá, nếu không mua được vé xe của các hãng này thì phải chấp nhận đi những xe kém chất lượng, giá vé có thể sẽ bị đội lên cao hơn so với ngày thường".

Bến xe Miền Đông cũng đang tổ chức bán vé trước cho hành khách đi lại dịp Tết với thời gian đi tương ứng từ ngày 24 đến 28 tháng chạp (tức từ ngày 29/1 đến 2/2). Lãnh đạo bến xe cho biết loại vé này sử dụng cho các doanh nghiệp bán vé trước, xe tăng cường trái tuyến, xe buýt và xe hợp đồng tăng cường. Vé được bán trực tiếp tại quầy và online, áp dụng cho các tuyến từ TP HCM đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định (Bồng Sơn và Quy Nhơn) - loại xe từ 29-45 chỗ. Giá vé loại 1 của chặng xa nhất từ TP HCM - Đà Nẵng là 800.000 đồng/vé.

Tại quầy bán vé, lượng người tới mua rất ít, đa số chỉ tìm kiếm thông tin và mua vé của các hãng như Phương Trang, Chín Nghĩa… nhưng cũng khó được, nhất là các tuyến về miền Trung. Đơn cử với hãng xe Phương Trang, các tuyến từ TP HCM tới Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế..., thời gian cao điểm Tết từ ngày 24 tới 29 tháng chạp hiện chỉ bán online nhưng cũng đã kín.

Giá vé xe nhiều điểm nóng tăng gấp nhiều lần thường ngày. 

Anh Nguyễn Văn Quân (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết ngày 11/1, anh "canh" máy tính và đặt được vé xe Phương Trang về Đà Nẵng ngày 30-1 (tức 25 tháng chạp) với giá 592.000 đồng. "Khi thanh toán thì hệ thống báo lỗi sai mã xác thực giao dịch và lúc chọn lại thì ghế đó đã có người khác đặt" - anh Quân lo lắng.

Trong khi đó, nắm bắt tình hình đi lại tăng đột biến và nhiều người không mua được vé xe, trên nhiều website, những tuyến "nóng" về miền Trung, giá vé được áp dụng cao gấp nhiều lần ngày thường và gấp đôi giá niêm yết tại bến xe. Cùng chặng từ TP HCM về Đà Nẵng ngày 25 tháng chạp, nhà xe Hoàng Long hiện bán khoảng 1,9 - 2,15 triệu đồng/vé. Một số hãng xe khác như Khánh Nhân, Hoàng Anh... tuyến về các tỉnh, thành miền Trung, giá vé cũng được áp dụng cao hơn so với giá ở bến xe và trung bình gấp đôi ngày thường.

Trong khi đó, khá nhiều hãng xe không công bố giá vé chính thức mà yêu cầu liên hệ nhà xe nhưng giá vé cũng tăng chóng mặt. Thử liên hệ với nhà xe Chơn Mỹ, tuyến từ TP HCM về Quảng Ngãi ngày 25 tháng chạp, loại xe Limousine, giá vé hiện được nâng lên hơn 1 triệu đồng/vé, trong khi ngày thường khoảng 400.000-500.000 đồng.

Thu Hằng (T/h)

Tin nổi bật