Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc sử dụng phân bắc để bón cho cây trồng đã từng rất phổ biến ở Nhật Bản. Tuy nhiên, sự ra đời của các hệ thống nước thải và cơ sở xử lý, cũng như phân bón hóa học đã khiến phương pháp này trở nên lỗi thời.
Khoảng một thập kỷ trước, Nhật Bản từng tìm cách để có thể hồi sinh phương pháp dùng loại phân hữu cơ từ chất thải của con người để giảm thiểu quy trình xử lý chất thải tốn kém và có khả năng gây hại cho môi trường nhưng không thành công.
Khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và kéo theo hệ quả là chi phí phân bón hóa học tăng vọt, người dân Nhật Bản đang dần quay lại sử dụng phân bắc trong trồng trọt.
Nông dân Nhật Bản quay về dùng phân bắc trong trồng trọt. Ảnh: ABC News
Theo ghi nhận tại một cơ sở sản xuất phân bắc ở thành phố Tome, phía Bắc Nhật Bản, doanh số bán phân bắc vào tháng 3 đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù bắt đầu sản xuất phân bón vào năm 2010 nhưng đây là lần đầu tiên cơ sở này bán hết sạch hàng.
Ông Toshiaki Kato - phó chủ tịch của cơ sở trên giải thích: “Phân bón của chúng tôi phổ biến vì nó rẻ và giúp nông dân cắt giảm chi phí tăng cao. Nó cũng tốt cho môi trường".
Được tạo nên từ sự kết hợp giữa bùn thải đã qua xử lý từ bể tự hoại và chất thải của con người, phân bắc được bán với giá 160 yên (1,66 USD) cho 15 kg – chỉ bằng khoảng 1/10 giá sản phẩm làm từ nguyên liệu nhập khẩu.
Nhật Bản khủng hoảng nhân khẩu học do tỷ suất sinh thấp kỷ lục
Ở thành phố Saga (phía Tây Nam Nhật Bản), các quan chức báo cáo doanh số bán phân bắc đã tăng gấp hai đến ba lần so với bình thường.
Giám đốc của Trung tâm Sinh khối Miura ở ngoại ô Tokyo cho hay: "Chúng tôi sản xuất 500 tấn phân bắc mỗi năm. Loại phân này đặc biệt tốt cho các loại rau ăn lá như bắp cải".
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản hy vọng tỷ lệ sử dụng phân động vật và chất thải của con người sẽ tăng gấp vào năm 2030 và chiếm 40% tổng lượng phân bón sử dụng ở Nhật Bản.
Phương Uyên (Theo ABC News)