“Tôi đã phải tập bay trong suốt 3 tháng qua mới có thể điều khiển được, hoàn thành ước mơ cả đời của tôi. Bay ở khu đất trống thực chất là bay lén thôi”, ông Hiển nói.
|
Chiếc trực thăng của ông Hiển bay ngoài khu đất trống. |
Tin tức báo Thanhnien đưa tin, chiếc trực thăng của ông Bùi Hiển (ở thị xã Thuận An, Bình Dương) hiện tại được chế tạo bằng một động cơ của ô tô. Bình xăng, bộ phận làm mát, cần điều khiển, khung trực thăng… đều do ông tự làm, sau khi tìm hiểu các tài liệu chế tạo trực thăng trên mạng internet.
Sau nhiều lần thay đổi và thất bại, đến nay chiếc trực thăng đã có thể cất cánh bay đứng ở độ cao trên 1 m so với mặt đất.
Để trực thăng có thể bay ổn định, ông Hiển đã bỏ ra khá nhiều chi phí thuê một công ty ở Đài Loan đúc cánh quạt bằng nhôm cao cấp. Hệ thống chuyển động số bằng dây curoa được thay bằng hộp số của ô tô (loại 16 chỗ ngồi). Với tình trạng hiện nay, chiếc trực thăng có tổng trọng lượng khi cất cánh khoảng 550 kg, trong đó mang được 50 kg hàng hóa.
Ngày 14/9, ông Bùi Hiển cho biết ông đang làm các thủ tục để được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử trên bầu trời.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật - hàng không (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết ông Hiển đã mang cánh quạt của trực thăng tự chế đến ĐH Bách khoa TP.HCM để kiểm nghiệm cân bằng động. Qua kiểm nghiệm thì thấy việc chế tạo trực thăng của ông Hiển rất khoa học và có kỹ thuật cao hơn so với những chiếc trực thăng đã được chế tạo trước đây ở Tây Ninh.
Tuy nhiên, “ông Hiển nên kết hợp với ĐH Bách khoa để tiếp tục hoàn thiện và tôi nghĩ nếu ông Hiển tiếp tục theo đuổi công trình khoa học của mình sẽ cho ra sản phẩm dần dần hoàn thiện. Tôi rất ủng hộ, đồng thời cũng mong muốn các cơ quan chức năng cho phép ông Hiển được bay thử nghiệm”, ông nói.
Trả lời trên báo NLD, đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, khích lệ tinh thần sáng tạo của ông Bùi Hiển nhưng lo ngại trước việc ông Hiển muốn tự lái máy bay.
"Theo thông tin tôi nắm hiện anh Bùi Hiển chỉ bay là là trên mặt đất. Tôi không cho rằng đó là sự vi phạm gì đáng phải nói. Có một lần anh ấy cho trực thăng vận hành thử nhưng phần cánh bị văng ra, bay về phía nhà dân rất nguy hiểm.
Nghe thông tin này địa phương có nhắc nhở anh Hiển mọi thử nghiệm cần chú trọng tính an toàn. Sự cố đó không gây ra hậu quả nghiêm trọng nên tôi thấy không cần làm ồn ào khiến anh Hiển phải buồn.
Quan điểm của tôi đây là một hoạt động dân sự. Thế nhưng làm gì cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp lý. Nếu anh Hiển cho phương tiện của mình bay lên cao thì phải được cấp phép. Chúng tôi có theo dõi và thường xuyên nhắc nhở anh Hiển việc này." - đại tá Võ Đức Thành nói.
"Phát minh sáng chế có lợi luôn luôn cần được cổ vũ để khuyến mọi người có ước mơ, có hoài bảo. Sự đam mê của anh Bùi Hiển phải nói là hết sức đáng khích lệ. Nó thể tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học. Nó thể hiện trí tuệ, khát khao của người Việt Nam.
Tuy nhiên, theo tôi cái mà anh Hiển làm ra ở thời điểm này chưa thể gọi là máy bay mà chỉ là một phương tiện bay do anh ấy sáng chế rồi mua cái này lắp ráp với cái kia." - ông Thành nhấn mạnh.
Hải Đăng (tổng hợp)
Nguồn: Nguoiduatin