Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ukraine bất ngờ nhận "tin vui" từ Italy giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Sau Mỹ và Đức, Italy cũng đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, giữa bối cảnh quân đội Nga đang tiến nhanh chưa từng có trên chiến trường.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Italy đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự thứ 10 cho Ukraine, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Italy đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Nhưng hầu như mọi thông tin về các lô hàng vũ khí đều được giữ bí mật.

Để gửi vũ khí đến Ukraine, chính phủ của Thủ tướng Georgia Meloni cần có sự cho phép của quốc hội. Hiện tại, thời hạn cho đến hết năm 2024. 

Trước đó, có thông tin về việc Italy cung cấp hệ thống phòng không SAMP/T thứ 2 cho Ukraine.

Hệ thống phòng không SAMP/T. Ảnh: Getty

Trong một diễn biến khác liên quan, Mỹ vừa công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine, đánh dấu lần đầu Washington xuất khẩu mìn chống bộ binh sau hàng chục năm.

"Mỹ và hơn 50 quốc gia đang cùng hỗ trợ để đảm bảo Ukraine có đủ khả năng chống đỡ Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 2/12 khi thông báo về gói viện trợ quân sự 725 triệu USD cho Kiev.

Theo ông Blinken, gói viện trợ mới sẽ gồm tên lửa phòng không vác vai Stinger, đạn dược cho pháo phản lực HIMARS, máy bay không người lái, mìn chống bộ binh và nhiều thiết bị khác.

Reuters thông tin, đây là lần đầu Mỹ xuất khẩu mìn chống bộ binh trong hàng chục năm, dù ông Biden từng ra lệnh cấm loại vũ khí này.

Gói viện trợ bổ sung cho thấy Tổng thống Joe Biden đang tăng cường sử dụng Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua. 

Cùng với đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố nước này có kế hoạch cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine vào cuối năm 2024.

"Mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là hỗ trợ phòng không. Chúng tôi đã cung cấp 5 hệ thống IRIS-T hoàn chỉnh, 3 hệ thống Patriot, hơn 50 hệ thống phòng không Gepard cùng tên lửa, đạn dược và phụ tùng thay thế", ông Olaf Scholz cho biết.

Cũng theo vị thủ tướng, vào tháng 12, một hệ thống IRIS-T khác, bệ phóng Patriot và Gepard sẽ được chuyển đến Ukraine. Ngoài ra, vào năm 2025, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, lựu pháo, máy bay không người lái, xe trinh sát bọc thép và máy bay trực thăng Sea King.

Ông Olaf Scholz tiết lộ, tổng viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine lên tới khoảng 28 tỷ euro, chỉ đứng sau Mỹ.

Lửa chiến đỏ rực trên các mặt trận trong xung đột Nga-Ukraine. Ảnh minh họa

Hãng thông tấn TASS đưa tin, một nguồn tin quân sự trong NATO tiết lộ với hãng tin ANSA của Italy rằng Ukraine đã thông báo với các đồng minh phương Tây rằng nước này cần ít nhất 120 tỷ USD để tiếp tục chiến dịch quân sự trong năm 2025, cao hơn nhiều so với mức 40 tỷ euro (42 tỷ USD) đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Cũng theo nguồn tin, vấn đề trên có thể được thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine, dự kiến diễn ra tại Brussels trong ngày 3/12 với sự tham dự của Ngoại trưởng Ukraine.

Hiện chưa rõ liệu Kiev có coi 50 tỷ USD từ tài sản Nga bị đóng băng mà Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đồng ý phân bổ cho Ukraine là một phần của khoản tiền này hay không.

Nguồn tin đồng thời cho biết, Ukraine sẽ không nhận được lời mời chính thức từ NATO trong tương lai gần, vì các Ngoại trưởng NATO không thể đưa ra khuyến nghị trước khi đạt được thỏa thuận giữa những người đứng đầu chính phủ.

Tin nổi bật