Theo VTC News, nhiều năm nay, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội áp dụng các quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành. Năm 2024 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội áp dụng quy chế thi mới với điều chỉnh quan trọng về danh mục vật dụng được phép mang vào phòng thi.
Cụ thể, những vật dụng mà thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; ê ke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Những vật dụng mà thí sinh không được phép mang vào phòng thi gồm giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ: "Nếu mang theo vật dụng trái phép vào phòng thi, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi. Những thí sinh bị đình chỉ thi sẽ mất quyền tham gia xét tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025".
Năm 2024 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội áp dụng quy chế thi mới với điều chỉnh quan trọng về danh mục vật dụng được phép mang vào phòng thi. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống
Ký thi vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội diễn ra vào ngày 8/6-9/6, với 3 môn thi Toán, Văn và Ngoại ngữ. Thí sinh thi trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm ngày 10/6 và 11/6.
Trong đó, đề thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút; đề thi môn Ngữ văn và môn Toán theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/môn, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống. Điểm xét tuyển là tổng 3 bài thi, trong đó Toán và Ngữ văn nhân hệ số hai, Ngoại ngữ hệ số một.
Năm học này, Hà Nội có 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó, 106.000 em đăng ký dự thi lớp 10. 127 trường công lập (gồm trường chuyên, trường công tự chủ) đáp ứng 81.000 chỗ học, còn lại học sinh có thể theo học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Tương tự mọi năm, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chia 12 khu vực tuyển sinh. Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ.
Với các lớp chuyên hoặc lớp tiếng Đức hệ 7 năm (THPT Việt Đức), lớp tiếng Nhật (THPT Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức), trường THPT dân tộc nội trú, học sinh được đăng ký nguyện vọng không phụ thuộc khu vực tuyển sinh.
Nguyên tắc xét tuyển như sau: Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét nguyện vọng 2 và 3. Khi trượt nguyện vọng 1, thí sinh được xét tới nguyện vọng 2, 3 nếu đạt điểm cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 ít nhất 1 và 2 điểm.
Các nguyện vọng được xét song song đến khi hết học sinh đạt điều kiện, chứ không phải xét ưu tiên nguyện vọng 1, thiếu chỉ tiêu mới tới nguyện vọng 2 và 3.