Trường ĐH Luật Hà Nội
Năm 2025, Trường ĐH Luật Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 2.650 chỉ tiêu, tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, trường dự kiến vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học bạ cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành và có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trường ĐH Thương mại
Mới đây, Trường ĐH Thương Mại cũng đưa ra dự kiến các phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển theo học bạ của thí sinh học 3 năm lớp 10, 11, 12 tại các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia, tốt nghiệp năm 2025 theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh theo 6 phương thức, tăng thêm 1 so với 2024. Đáng chú ý, đây sẽ là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH.
5 phương thức còn lại gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học bạ; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP.HCM.
Trường ĐH Đại Nam
Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh 42 ngành học theo 3 phương thức tuyển sinh: xét học bạ THPT (65%); xét điểm thi tốt nghiệp THPT (30%); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (5%).
Tuyển sinh 2025, bên cạnh một số trường ĐH bỏ xét học bạ, nhiều trường vẫn dành hàng nghìn chỉ tiêu cho phương thức này. Ảnh minh họa
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Năm 2025, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến bỏ phương án xét tuyển học bạ 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) nhưng vẫn giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Theo nhà trường, lý do điều chỉnh là đảm bảo quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH.
Trong dự thảo này có quy định khi xét tuyển bằng học bạ THPT phải có kết quả học kỳ II lớp 12 để các trường đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc phổ thông, đồng thời khuyến khích các em tập trung hoàn tất và đạt kết quả tốt nhất trong năm học cuối cấp.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM
Trường ĐH Công Thương TP.HCM dự kiến sẽ xét khoảng chiếm 15-20% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển học bạ.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng sẽ xét học bạ trong năm 2025. Năm ngoái trường này tuyển hơn 6.600 sinh viên nhưng có tới 70% xét theo điểm học bạ. Năm nay, đây cũng là trường đầu tiên thông báo xét học bổng với thí sinh có điểm học bạ trung bình môn từ 7 trở lên.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tặng học bổng trị giá 25% học phí toàn khóa cho tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn của học kỳ I năm lớp 12 đạt từ 20 điểm trở lên. Trường nhận đăng ký học bổng từ ngày 15/1 đến 31/5 theo hình thức trực tuyến tại trang web trường.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
Năm 2025, trườn này dự kiến cũng xét tuyển dựa trên kết quả học bạ là điểm trung bình của 3 năm học THPT. Tại cơ sở chính chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đối với xét tuyển ngành Giáo dục mầm non (trình độ cao đẳng, ĐH), sử dụng điểm học bạ (trung bình của 3 năm học THPT) của 2 môn Toán và Ngữ văn kết hợp với kết quả thi môn năng khiếu.
Trong khi đó, hàng loạt trường ĐH dự kiến sẽ bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025. Lãnh đạo một số trường cho biết, việc bỏ phương thức này là do qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại điểm học bạ của các trường cấp 3 thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc không đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025.