(ĐSPL) - Giá trần bán buôn với các mặt hàng sữa được áp dụng từ ngày 11/6 và giá trần bán lẻ được áp dụng từ ngày 21/6...
Đây là thông báo của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính) trong buổi họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều 27/5.
Theo đó, danh mục 25 sản phẩm được giá áp trần lần này cũng đã được ban hành. Bộ Tài chính cũng sẽ xem xét áp giá trần đối với các sản phẩm sữa khác trong thời gian sớm nhất.
Nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng từ ngày 21/6 được tính bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng với chi phí hợp lý khác, nhưng không vượt quá 15\% giá bán buôn tối đa.
Trong đó 15\% là tỉ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao không quá 15\% so với giá bán buôn tối đa nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường.
|
Họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính. |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Tài chính) cũng lý giải thêm: "Tỷ lệ 15\% là mức phù hợp với cả thị trường miền núi và đô thị, đảm bảo đủ nguồn hàng cho tất cả các vùng, miền. Không vì việc áp trần này mà mặt hàng sữa trên vùng núi, vùng sâu, vùng xa không được lưu thông".
Như vậy, khi 25 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi được áp giá trần bán buôn, theo tính toán của doanh nghiệp họ sẽ lỗ trung bình khoảng 4\%. Mức giá trên mỗi dòng sữa, sản phẩm sữa sẽ giảm bình quân 15\%-30\%. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp "tung" ra nhiều chiêu trò "lách" luật để tăng giá bán như: thay đổi bao bì sản phẩm, giảm bớt trọng lượng sữa...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Bộ Tài chính đã tính hết tất cả tính huống trên và đã có quy định cụ thể phương pháp, cơ sở tính giá trần theo chi phí sản xuất”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn gửi tới lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp, dứt điểm đưa mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi trở về mức giá thật, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. "Đây sẽ là món quà đáng nói nhất dành cho trẻ nhỏ nhân ngày 1/6 tới”, vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Nhóm các mặt hàng nằm trong bảng giá trần gồm: Dielac Alpha, Frisolac, Nan Pro, Friso Gold, Enfa Grow, Abott Grow, Similac. Đối với loại 900 g là sữa Dielac Alpha 123 HT có giá trần tối đa 167.000 đồng, loại 400 g Dielac Alpha 123 HT rẻ nhất là 72.000 đồng. Loại đắt nhất với dòng 900 g là sữa IMP Frisolac Gold 1 có giá 406.000 đồng/hộp, đối với 1,8 kg Enfa Grown A+3 hương Vanila có giá 563.000 đồng. Loại đắt nhất trong bảng giá trần là Similac Gain Plus IQ 1,7 kg có mức giá 692.000 đồng. |