Theo số liệu từ đề án tuyển sinh và báo cáo "ba công khai" của các trường đại học với Bộ GD&ĐT, năm 2023, có 10 cơ sở giáo dục đại học đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách 10 trường đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng "vắng bóng" Trường Đại học Cần Thơ.
Báo Dân trí cho hay, báo cáo tài chính năm học 2023-2024 của Trường Đại học Cần Thơ, tổng thu năm học này của trường là 954,19 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn thu từ ngân sách 125,09 tỷ đồng, từ học phí 642,06 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 21,6 tỷ đồng và từ nguồn thu hợp pháp khác là 165,44 tỷ đồng.
Trường Đại học Cần Thơ vắng bóng trong "hội" doanh thu nghìn tỷ. Ảnh minh họa
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Cần Thơ có mức học phí dao động từ 15,4 đến 19,8 triệu đồng/năm đối với đào tạo đại học; đào tạo thạc sĩ có mức học phí 23,3 triệu đồng/năm và đào tạo tiến sĩ với học phí 38,9 triệu đồng/năm.
Năm học trước đó (năm học 2022-2023), Trường Đại học Cần Thơ có tổng thu hơn 1.119 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong nhóm 9 trường đại học có doanh thu nghìn tỷ đồng.
Trong 10 trường đại học đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng có 6 cơ sở công lập và 4 cơ sở tư thục.
Theo tờ Người quan sát, dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu năm 2023 là Trường Đại học FPT với 2.918 tỷ đồng, tăng vọt so với năm 2022, khi trường chỉ xếp thứ ba với doanh thu chưa đầy 1.300 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này thể hiện sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo trong lĩnh vực công nghệ và sự phát triển của trường trong hệ thống giáo dục tư thục. Trường Đại học FPT hiện có 5 phân hiệu gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM và Cần Thơ.
Á quân là Đại học Bách khoa Hà Nội với 2.137 tỷ đồng. Ngôi trường danh tiếng bậc nhất Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Năm 2022, trường này đứng thứ bảy với doanh thu 1.070 tỷ đồng, nhưng đến năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ hai với doanh thu vượt mốc 2.000 tỷ đồng, khẳng định vị thế của trường trong khối các trường công lập.
Tiếp theo là Trường Đại học Văn Lang, mặc dù trường này chưa công khai doanh thu năm 2023, nhưng theo số liệu năm 2022, Trường Đại học Văn Lang đã đạt 1.758 tỷ đồng, xếp vị trí thứ ba trong danh sách này. Trường có lợi thế trong việc cung cấp các chương trình đào tạo đa ngành, thu hút đông đảo sinh viên.
Bảy trường còn lại là Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Kinh tế Quốc dân, Công nghệ TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TP.HCM, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong đó, 2 cái tên mới là Đại học Công nghiệp TP.HCM (1.010 tỷ đồng) và Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) (1.004 tỷ đồng).
Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Cần Thơ có gần 10.000 chỉ tiêu với 109 chương trình đào tạo đại học chính quy, gồm 89 chương trình đại trà, 2 chương trình tiên tiến và 13 chương trình chất lượng cao.
Điểm chuẩn năm nay của trường theo phương thức xét điểm tốt nghiệp dao động từ 15 đến 28,43 điểm. Trong đó, ngành lịch sử có điểm chuẩn cao nhất với 28,43 điểm, thí sinh phải đạt gần 9,5 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.