Theo The Paper, Trung Quốc gần đây đã công bố dữ liệu lớn về tình hình hôn nhân trong năm 2022.
Đáng chú ý, tại tỉnh Giang Tô, độ tuổi kết hôn trung bình ở 4 thành phố Thường Châu, Dương Châu, Liên Vân Cảng và Vô Tích là trên 30 tuổi và số lượng các cuộc hôn nhân cũng giảm nhẹ so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2022, độ tuổi đăng ký kết hôn trung bình ở Thường Châu là 31,05 tuổi. Độ tuổi đăng ký kết hôn trung bình ở Dương Châu là 30,27 tuổi, đã tăng nhẹ trong ba năm liên tiếp. Độ tuổi đăng ký kết hôn trung bình ở Vô Tích là 30,6 tuổi. Độ tuổi đăng ký kết hôn trung bình ở Liên Vân Cảng là 30,43 tuổi.
Ngoài ra, độ tuổi đăng ký kết hôn trung bình của nam giới tại thành phố Tô Châu của tỉnh Giang Tô vào năm 2022 là 30,94 tuổi và của nữ là 29,64 tuổi.
So với năm 2021, Số lượng các cuộc hôn nhân ở nhiều nơi ở Giang Tô cũng giảm vào năm 2022. Số lượng các cuộc hôn nhân giảm 1.418 ở Dương Châu, 289 ở Thường Châu và 716 ở Vô Tích. Tại Liên Vân Cảng, chỉ có 6.423 trường hợp đăng ký kết hôn mới vào năm 2022, giảm 22,2% so với năm 2021.
Độ tuổi kết hôn trung bình nhiều nơi ở Trung Quốc ngày càng muộn. Ảnh minh họa: The Paper
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, khi độ độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở nhiều nơi vượt quá 30 tuổi. Dữ liệu cho thấy vào năm 2022, độ tuổi trung bình của nam giới đăng ký kết hôn lần đầu tại 9 thành phố ở Hà Nam là Bình Đỉnh Sơn, An Dương, Hạc Bích, Bộc Dương, Hứa Xương, Tam Môn Hiệp, Nam Dương, Chu Khẩu và Tề Nguyên đều trên 30 tuổi, lớn nhất là 32,5 tuổi ở Tam Môn Hiệp.
Ngoài ra, các thành phố như Hàng Châu và Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, hay thành phố Quế Lâm ở tỉnh Quảng Tây cũng báo cáo độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình trong năm 2022 vào khoảng 30 tuổi.
Tờ Nhật báo Quang Minh chỉ ra rằng, thực trạng "hoãn kết hôn" ở Trung Quốc có mối tương quan chặt chẽ với sự gia tăng mức độ đô thị hóa và trình độ phát triển kinh tế của nước này trong những năm gần đây. Sự gia tăng mức độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã khiến toàn xã hội chú ý nhiều hơn đến đầu tư giáo dục của những người trẻ tuổi, và việc kéo dài số năm học chắc chắn sẽ làm chậm thời gian các cá nhân kết hôn và lập gia đình.
Hơn nữa, việc nâng cao trình độ kinh tế đã làm tăng tương ứng các yêu cầu của người dân về điều kiện kết hôn, khi "nhà, xe và cổ phiếu" trở thành "ba tiêu chí chính" của hôn nhân trong thế kỷ 21. Giá nhà đất cao, phí sinh hoạt đắt đỏ và tiền nuôi dạy con ở các khu vực kinh tế phát triển đã buộc nhiều thanh niên ở độ tuổi phù hợp phải chọn cách trì hoãn kết hôn.
Chính quyền các cấp của Trung Quốc những năm qua đã đưa ra loạt chính sách khuyến khích người dân kết hôn và sinh con. Các chính sách này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng sinh đẻ và nuôi dạy con cái, bằng cách gia hạn thời gian nghỉ phép cho cha mẹ, giảm thuế và cung cấp nhiều lợi ích tài chính khác.
Mặt khác, trong những năm gần đây, một số chuyên gia đề xuất hạ thấp độ tuổi kết hôn tối thiểu, hiện là 22 tuổi đối với nam và 20 tuổi đối với nữ, nhằm phù hợp hơn với những thay đổi trong chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, đáp lại nỗ lực của giới chức Trung Quốc thường là phản ứng thờ ơ, đặc biệt là nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi ở thành thị, những người muốn trì hoãn kết hôn do các vấn đề nêu trên.
Hoa Vũ (Theo The Paper)