Aljazeera đưa tin ngày 17/1 (giờ địa phương), dữ liệu chính thức cho thấy dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau hơn 60 năm — một bước ngoặt lịch sử đối với quốc gia đông dân nhất thế giới hiện được cho là sẽ chứng kiến một thời kỳ suy giảm dân số kéo dài.
Đất nước 1,4 tỷ dân này chứng kiến tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục khi lực lượng lao động già đi, mức giảm mà các nhà phân tích cảnh báo có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nền tài chính công đang căng thẳng của Trung Quốc.
Dân số Trung Quốc đại lục ở mức xấp xỉ 1.411.750.000 người vào cuối năm 2022, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021, Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh (NBS) báo cáo ngày 17/1.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm cùng với lúc dân số bắt đầu già đi. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm ngoái là 6,77 trẻ em trên 1.000 dân, giảm so với mức 7,52 năm 2021 và là mức thấp nhất từ năm 1978. Trung Quốc cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất từ năm 1976, với 7,37 trường hợp trên 1.000 dân. Con số này của năm 2021 là 7,18.
Những số liệu mới đánh dấu sự sụt giảm dân số đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1961, khi đất nước này phải đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại do chính sách nông nghiệp thời điểm đó.
Trung Quốc từ lâu đã là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng dự kiến sẽ sớm bị Ấn Độ vượt qua trong năm nay.
Người đứng đầu NBS, Kang Yi, cho biết mọi người không nên lo lắng về sự suy giảm dân số của Trung Quốc vì tổng cung lao động của nước này vẫn vượt cầu.
Mặc dù Trung Quốc đã chấm dứt “chính sách một con” nghiêm ngặt vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng có ba con vào năm 2021 nhưng sự thay đổi chính sách đã không đảo ngược được tình trạng suy giảm nhân khẩu học.
Về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tin rằng, dân số Trung Quốc có thể giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Tác động kinh tế của việc giảm dân số cũng là mối quan tâm hàng đầu đối với Trung Quốc, vì trong nhiều thập kỷ, dân số trong độ tuổi lao động lớn của nước này — gần 70% dân số vào năm 2010 — là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Bích Thảo (Theo Aljazeera)