Ngày 15/1, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh-2D đưa 14 vệ tinh mới vào vũ trụ.
Cụ thể, tên lửa được phóng vào lúc 11h14 theo giờ địa phương từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Các vệ tinh, trong đó có Qilu-2 và Qilu-3, hiện đã đi vào quỹ đạo.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-2D mang theo 14 vệ tinh rời bệ phóng ngày 15/1/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Qilu-2 là vệ tinh quang học có độ phân giải cao, trong khi Qilu-3 là vệ tinh quang học có góc chụp rộng. Hai vệ tinh này đều được trang bị các thiết bị quang học để quan sát Trái Đất và sẽ cung cấp cho tỉnh Sơn Đông các dịch vụ cảm biến từ xa nhằm khảo sát đất đai và phục vụ cho nông nghiệp, lâm nghiệp cũng như bảo vệ môi trường và ngăn ngừa, giảm thiểu thiên tai. Hai vệ tinh này sẽ phối hợp với vệ tinh Qilu-1 đang bay quanh quỹ đạo.
Đây là vụ phóng thứ 462 sử dụng dòng tên lửa đẩy Trường Chinh. Tên lửa Trường Chinh-2D do Học viện Công nghệ du hành vũ trụ Thượng Hải, thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, phát triển.
Tên Trường Chinh-2D có thể đáp ứng nhu cầu phóng 1 vệ tinh hoặc nhiều vệ tinh cùng lúc. Trong nhiệm vụ mới nhất này, tên lửa đã chở 14 vệ tinh của 7 nhà phát triển khác nhau.
Trước đó, ngày 9/1, một tên lửa đẩy Trường Chinh-7 phiên bản sửa đổi cũng đã phóng các vệ tinh Thực tiễn-23, Thập Yển-22A và Thập Yển-22B (Shiyan-22B) vào lúc 6h sáng 9/1 (giờ Bắc Kinh) và đi vào quỹ đạo thành công theo dự kiến.
Vệ tinh Thực tiễn-23 chủ yếu được sử dụng cho các thí nghiệm khoa học và kiểm chứng kỹ thuật, trong khi các vệ tinh Thập Yển-22A và Thập Yển-22B phục vụ các thử nghiệm công nghệ mới như giám sát môi trường không gian trên quỹ đạo.
Vào cuối tháng 12/2022, công ty tư nhân GalaxySpace của Trung Quốc đã tăng tốc nghiên cứu và phát triển "chòm sao vệ tinh" để tạo ra mạng truyền thông 5G toàn cầu.
Phía công ty cho biết, các vệ tinh Internet của họ được thiết kế có thể xếp chồng hàng chục chiếc lên nhau và phóng cùng lúc trên một tên lửa duy nhất. Điều này sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng tên lửa và rút ngắn thời gian xây dựng mạng lưới vệ tinh.
Internet vệ tinh sẽ cung cấp kết nối băng thông rộng, sử dụng các vệ tinh trong không gian đóng vai trò như trạm gốc dưới mặt đất để kết nối mạng mặt đất, hay nói cách khác, mỗi vệ tinh là một trạm cơ sở di động trong không gian. Nó có thể cung cấp cho người dùng trên toàn thế giới dịch vụ truy cập Internet băng thông cao, linh hoạt và thuận tiện.
Bên cạnh đó, mỗi vệ tinh xếp chồng lên nhau có thể mang theo một mảng pin năng lượng mặt trời linh hoạt, với kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và module hóa, giúp tiết kiệm khối lượng và chi phí phóng.
Mộc Miên (T/h)