Người đàn ông 47 tuổi ở Hồng Kông (Trung Quốc) có tiền sử bệnh lý nền, ban đầu tìm đến phương pháp châm cứu để điều trị đau lưng sau khi bị thương khi đang nâng vật nặng vào ngày 6/4.
Ông bị đau ở hông trái, chân và bàn chân nên đã đến gặp 2 bác sĩ Đông y để châm cứu vào các ngày 7, 9 và 10/4.
Vào ngày 11/4, người đàn ông bị sốt và đau dữ dội ở đùi trái, phải đến bệnh viện tư thăm khám.
Các bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm trùng và viêm cân hoại tử — một bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh, hay được gọi là "bệnh ăn thịt người"— và chuyển ông đến Bệnh viện Queen Mary vào ngày hôm sau.
Người đàn ông đã phẫu thuật cắt bỏ chân trái vào ngày 13/4 và hiện đang nằm viện trong tình trạng ổn định.
Ảnh minh hoạ.
Các nhà chức trách xác nhận bệnh nhiễm trùng là do liên cầu khuẩn nhóm A, một loại vi khuẩn thường gặp ở cổ họng và trên da.
Mặc dù nó thường gây ra các bệnh nhẹ như đau họng hoặc nhiễm trùng da, nhưng đôi khi nó có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như viêm cân hoại tử - như trường hợp của người đàn ông này.
Bộ Y tế Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiến hành điều tra nguồn lây nhiễm bằng cách thu thập các mẫu từ môi trường ở hai phòng châm cứu mà người đàn ông đã đến.
Một mẫu lấy từ phòng khám ở Causeway Bay có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm A, và xét nghiệm di truyền xác nhận mẫu này trùng khớp với chủng vi khuẩn tìm thấy ở bệnh nhân.
Các nhà chức trách nghi ngờ phòng khám có thể đã không tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng trong quá trình điều trị, mặc dù cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Một số người đặt ra câu hỏi về việc bác sĩ không đeo găng tay khi thực hiện châm cứu. Ông Trần Vĩnh Quang – Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Đông y Hồng Kông (Trung Quốc) kiêm nghị sĩ Hội đồng Lập pháp cho biết, hiện không có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng găng tay trong thủ thuật này. Thậm chí, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc đeo găng chỉ cần thiết nếu tại vùng điều trị có máu hoặc dịch tiết. Việc đeo găng có thể làm giảm độ linh hoạt của tay, ảnh hưởng đến kỹ thuật điều chỉnh kim vốn cần độ chính xác cao. Ông cũng phủ nhận thông tin kim tiêm được châm xuyên qua lớp quần áo – điều này theo ông là "không bao giờ xảy ra".
Về trường hợp cụ thể người đàn ông bị nghi nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người", ông Trần lưu ý rằng hiện tại cơ quan chức năng mới chỉ xác định là "nghi ngờ" và chưa có kết luận chính thức. Ông kêu gọi công chúng không nên vội vàng đưa ra kết luận, vì điều này có thể gây ảnh hưởng không công bằng đến các bác sĩ y học cổ truyền khác. Ông cũng cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố như vậy trong số hơn một nghìn người đang điều trị bằng châm cứu tại Hồng Kông.
Cuối cùng, ông Trần trấn an rằng vụ việc này không nên bị thổi phồng thành nỗi sợ hãi toàn xã hội. Ông khuyên người dân đang điều trị bằng châm cứu nên tiếp tục theo dõi và không nên tự ý dừng điều trị. Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông đang tiếp tục điều tra nguyên nhân sự cố, và nếu có thông tin mới, Hội đồng Y học Trung Quốc tại Hồng Kông sẽ vào cuộc để xác minh cũng như đưa ra chỉ đạo cụ thể.