Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 178 và Nghị định 67 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Những trường hợp không được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178
Theo báo Tin tức, trong hướng dẫn này, Bộ Nội vụ cũng nêu các trường hợp không được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể:
+Cán bộ quản lý không thuộc diện sắp xếp trực tiếp; nếu cơ quan, đơn vị của họ không trực tiếp bị sắp xếp lại, dù số lượng cấp phó có thể ít hơn quy định, họ vẫn không thuộc diện được nghỉ hưu trước tuổi.
+Người lao động đã chấm dứt hợp đồng cũ và ký hợp đồng mới sau ngày 15/1/2019, dù hợp đồng cũ của họ có ký trước thời điểm đó thì việc ký lại hợp đồng sau mốc thời gian này sẽ khiến họ không đủ điều kiện hưởng chính sách.
+Người lao động có đủ điều kiện về thâm niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội và không thuộc diện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi do tinh gọn bộ máy.
Nghị định 178 được Chính phủ ban hành cuối tháng 12/2024 quy định chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy. Theo đó, người có tuổi đời cách tuổi nghỉ hưu tối đa 10 năm (điều kiện bình thường) hoặc 5 năm (vùng đặc biệt khó khăn) và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng ba chế độ hỗ trợ khi nghỉ hưu trước tuổi.
Như vậy, theo hướng dẫn mới nhất, thì những trường hợp trên không thuộc trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178.
Ảnh minh họa
Những khoản phụ cấp không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng
Theo Nghị định 67, tiền lương hằng tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm:
Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.
Các khoản phụ cấp lương, bao gồm phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề.
Phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang, và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
Tại công văn hướng dẫn, Bộ Nội vụ nêu rõ các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng...) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Còn phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau.
Riêng mức lương cơ sở được tính toán trên mức lương liền kề của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 Nghị định 67), thông tin trên tờ Tuổi Trẻ.