Điều 6 Thông tư 29 quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định 5 trường hợp hộ kinh doanh không cần phải đăng ký kinh doanh, bao gồm:
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
Người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến;
Người kinh doanh lưu động;
Người kinh doanh thời vụ;
Người làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Căn cứ nội dung trên, cho dù giáo viên chỉ dạy thêm với số lượng ít học sinh (1 hay 2 học sinh) mà có thu tiền thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.
Ngoài ra, nội dung khoản 1, Điều 80 Nghị định 01/2021 quy định pháp luật không cấm giáo viên thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 4, Thông tư 29 quy định, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo quy định tại Thông tư 29, dù giáo viên chỉ dạy thêm với số lượng ít học sinh (1 hay 2 học sinh) mà có thu tiền thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Ảnh minh họa
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành quy định mức thu tiền học thêm như sau:
Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm;
Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Căn cứ quy định nêu trên, mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường được thu dựa trên do thỏa thuận giữa phụ huynh, học sinh với cơ sở dạy thêm và không có quy định về mức thu tiền dạy thêm ngoài nhà trường tối đa cũng như tối thiểu bao nhiêu.
Đồng thời, học sinh khi tham gia học thêm trong nhà trường không phải đóng phí như Thông tư 17/2012 trước đó quy định.