Không chỉ khác nhau về vị trí, chân giò trước và chân giò sau còn khác biệt về hương vị và cấu trúc. Tuy nhiên, chân giò trước hay sau ngon hơn còn tùy thuộc vào món ăn mà bạn định nấu cũng như sở thích cá nhân của bạn.
Khi lợn vận động, chân trước sẽ đóng vai trò quan trọng hơn và chịu lực nhiều hơn. Vì vậy, móng guốc ở chân trước thường sẽ có kích thước lớn hơn móng sau. Bên cạnh đó, chân trước cứng chắc, nhiều gân, trong khi phần thịt mỏng hơn. Dáng của chân giò trước thường nhỏ, đẹp hơn.
Thịt chân giò trước thường sẽ ngọt và đậm đà hơn, thích hợp để chế biến các món hầm, giả cầy hoặc là luộc, khi nấu lên thịt sẽ trở nên mềm mại và thấm vị hơn.
Chân giò trước và chân giò sau khác nhau về hương vị và cấu trúc. Ảnh minh họa
Chân phía sau chủ yếu hỗ trợ vận động, giúp lợn giữ thăng bằng nên thịt sẽ không được săn chắc, đậm đà bằng chân trước, ngoài ra còn có kết cấu lỏng lẻo và chứa nhiều mỡ. Vậy nên, chân giò sau thường sẽ được sử dụng để chế biến các món xào, nấu cháo hoặc món kho...
Phần móng của lợn tiếp xúc với chất bẩn trong chuồng nuôi, vì thế chân giò không xử lý khéo thì có thể bị hôi. Để làm sạch chân giò, bạn cần phải cạo sạch lông. Nếu chân giò chưa trắng và màu da còn vàng ngà, bạn nên cạo sạch rồi rửa dưới vòi nước chảy.
Tiếp đó, bạn sử dụng gừng, rượu trắng hoặc là rượu nấu và muối để ngâm chân giò. Việc ngâm chân giò sẽ giúp chân giò sạch và thôi hết phần huyết thừa dính bên trong xương. Nếu có thời gian thì bạn nên ngâm chân giò trong khoảng 1 tiếng để làm sạch.
Sau khi ngâm, bạn có thể trụng chân giò lợn qua nước sôi để làm sạch, hoặc là có thể thui/nướng để tạo mùi thơm tùy theo cách bạn chế biến món ăn.
Nếu bạn làm món chân giò luộc mà muốn da giòn, khi luộc xong, bạn hãy vớt và thả ngay vào nước đá lạnh. Trong trường hợp muốn làm món giả cầy hoặc kho mà da giòn ngon, bạn nên thui hoặc nướng cho cháy xem phần da.