Chức năng quan trọng của gan là giải độc máu, loại bỏ chất có hại. Gan còn giúp lưu trữ vitamin, sắt, chuyển hóa độc tố thành dạng hòa tan trong nước, bài tiết ra khỏi cơ thể.
Vnexpress dẫn lời bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bên cạnh lối sống khoa học, một số loại thực phẩm có khả năng giúp gan tăng cường chức năng và hoạt động khỏe mạnh.
Trà xanh: Uống trà xanh có liên quan đến việc cải thiện các chỉ số sức khỏe gan. Đồ uống này chứa nhiều chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, hỗ trợ cân bằng nội tiết, giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Rau họ cải: Súp lơ, cải brussel, bông cải xanh, bắp cải, giá đỗ, cải xoăn dồi dào chất glutathione có khả năng kích hoạt, tăng cường các enzyme giúp làm sạch độc tố. Những loại rau này cũng chứa glucosinolate loại bỏ các chất gây ung thư và các độc tố khác.
Nghệ: Đây không chỉ là gia vị phổ biến mà còn các đặc tính chữa bệnh. Thành phần chính của nghệ là curcumin, có tác dụng sinh học mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sản xuất mật, giải độc kim loại nặng khỏi gan. Curcumin còn chứa chất chống oxy hóa có khả năng phục hồi tế bào gan.
Cam, quýt: Các loại trái cây như bưởi, cam, chanh giàu vitamin C, có khả năng kích thích gan, hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất độc hại thành dạng hòa tan trong nước. Bưởi chứa naringin, naringenin có tác dụng giảm viêm gan và bảo vệ tế bào gan.
Tỏi: Nhiều dưỡng chất trong tỏi gồm lưu huỳnh, vitamin B6, vitamin C, mangan, selen. Lưu huỳnh giúp kích hoạt các enzyme gan, hỗ trợ quá trình thải độc, trong khi selen tăng cường mức độ enzyme chống oxy hóa tự nhiên trong gan. Ăn tỏi thường xuyên có thể chống lại tổn thương ở gan do stress oxy hóa.
Bác sĩ Phương cho biết một số đồ uống như nước chanh, nước ép táo, sinh tố bơ, đu đủ, nước ép dưa hấu và kiwi... cũng giúp gan khỏe mạnh hơn. Bổ sung sản phẩm chứa tinh chất S. Marianum và Wasabia thiên nhiên có thể kiểm soát hoạt động tế bào kupffer ở gan, phòng ngừa, cải thiện bệnh về gan.
Bỏ bữa sáng
Theo VTC News, sau một đêm dài, cơ thể đã chuyển hóa hết lượng thức ăn nạp vào từ ngày hôm trước, dạ dày trong trạng thái trống rỗng, lúc này cần phải nạp thức ăn kịp thời để bổ sung năng lượng cho cơ thể để giúp các cơ quan hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi cuộc sống bận rộn, nhiều người thường bỏ bữa sáng.
Thói quen bỏ bữa sáng khiến cơ thể không được bổ sung năng lượng, gan không đủ năng lượng để thực hiện các vai trò của mình, từ đó làm chất độc tích tụ trong gan ngày càng tăng, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng cho gan.
Ngoài ra, nếu không ăn sáng, sẽ gây thiếu dinh dưỡng, hạ đường huyết và các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm ruột.
Ăn nhiều đồ chiên rán, nhiều chất béo
Với việc điều kiện sống được cải thiện, ngày nay con người đã thay đổi từ những bữa ăn đơn giản sang các bữa ăn sang trọng cầu kì. Việc bạn ăn quá nhiều đồ chiên rán, nhiều chất béo sẽ gây hại cho sức khỏe của gan.
Những thức ăn này sẽ dễ làm tăng gánh nặng cho gan và tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Helmholtz ở Munich - Đức phát hiện ra rằng, lipid có hại trong thực phẩm giàu chất béo có thể kích hoạt tế bào miễn dịch và di chuyển đến gan, tác động với các tế bào trong mô gan gây ra một số bệnh về gan như bệnh gan nhiễm mỡ.
Lạm dụng thuốc
Một số người có hành động lạm dụng thuốc trong thời gian dài với suy nghĩ uống dài ngày để tăng hiệu quả chữa bệnh, gây ra các tác động không tốt cho gan.
Gan là cơ quan giúp chuyển hóa thuốc. Nếu tự ý uống thuốc trong thời gian dài khi không có sự tư vấn của bác sĩ sẽ khiến gan không chuyển hóa kịp các chất trong thuốc, gây tích tụ và có hại tới gan.