(ĐSPL) – Đó là nhận định của nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An về Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển – Nguyên tắc xuyên suốt trong Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2020.
Chính phủ kiến tạo phát triển là chủ trương, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ mới này.
Phóng viên có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An về Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển nhân dịp Nghị quyết 100/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ vừa có hiệu lực ngày 18/11/2016.
Bà Bùi Thị An là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, là Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội; Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP?
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Trước hết, phải nói trong nhiệm kỳ mới, trong lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, trước cử tri đồng bào cả nước đã quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển liêm chính để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước ta. Tôi cho rằng Nghị quyết số 100/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành rất hay và rất kịp thời thể hiện, pháp luật hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển dưới dạng các chương trình hành động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới ,tức là xây dựng một Chính phủ kiến tạo để phục vụ nhân dân. Việc đề ra nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phù hợp với Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ bản chất của Nhà nước ta trong 6 từ “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” và nếu muốn hực hiện được tinh thần đấy của Hiến pháp 2013 tức là “Nhà nước của dân do dân vì dân” thì Nhà nước phải kiến tạo, Nhà nước phải lấy cái gốc là phục vụ Nhân dân.
Kiến tạo ở đây thể hiện như thế nào? Đầu tiên Chính phủ kiến tạo được thể hiện ở Chính phủ điều hành đất nước bằng luật pháp trên cơ sở trí tuệ, nền trí tuệ của đất nước phát triển là luật pháp. Nếu như không điều hành đất nước bằng luật pháp thì chắc chắn không thể kiến tạo được. Kiến tạo phải trên nền là Luật pháp mà Luật pháp cao nhất của Việt Nam vừa rồi là Hiến pháp 2013. Hiến pháp đã quy định “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì trong tất cả mọi chương trình hành động xuất phát từ sáu từ “Của dân,do dân, vì dân” sẽ thể hiện được đúng tinh thần gọi là Chính phủ kiến tạo phát triển. Bên cạnh “Chính phủ kiến tạo phát triển:, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu lên “Chính phủ phải liêm chính”, nghĩa là phải kiến tạo trên cơ sở nền luật pháp, phải có kỷ cương, phải kiểm soát được sự liêm chính của Chính phủ. Chỉ có sự liêm chính của Chính phủ thì đất nước này mới phát triển và mới lấy lại được dần niềm tin của dân và dân trên đà đấy sẽ góp sức cùng Chính phủ để xây dựng đất nước này mãi mãi phát triển.
Chính phủ kiến tạo phát triển liêm chính là Chính phủ điều hành đất nước bằng luật pháp mà Việt Nam bây giờ có tương đối đủ luật pháp rồi. Từng nhiệm kỳ của Quốc hội đã thông qua rất nhiều các Bộ luật, vậy chúng ta phải tổ chức như thế nào để triển khai thực thi các luật ấy để luật thực sự đi vào cuộc sống. Điều này phải nói rất là cần. Đầu tiên phải là cơ quan hành pháp, Quốc hội đã ban hành các Bộ luật rồi, bây giờ tổ chức thực hiện là cơ quan hành pháp và tư pháp. Nhiệm vụ cua các cơ quan này là tổ chức thi hành thật tốt pháp luật, để pháp luật đi vào cuộc sống trên nền một khung luật nói chung Quốc hội đã ban hành, và luật pháp phải vì dân. Nếu tổ chức thi hành tốt thì dân sẽ được lợi và đất nước sẽ vững mạnh lên và đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh mà Bác Hồ cũng như Đảng và Quốc hội và Chính phủ mong muốn.
PV: Thưa bà, từ trước tới nay Chính phủ vẫn luôn điều hành đất nước bằng Luật pháp. Vậy để xây dựng thành công “Chính phủ kiến tạo phát triển”, sự khác biệt trong điều hành bằng luật pháp giữa Chính phủ với người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Chính phủ trước đây là gì?
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, mỗi giai đoạn người đứng đầu Chính phủ là khác nhau thì tất nhiên thể hiện việc điều hành bằng luật pháp có thể là khác nhau. Tôi sẽ quan tâm giai đoạn này khi mà Thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc đã nhận đảm nhiệm và được bổ nhiệm, nhận trách nhiệm rất cao là đứng đầu cơ quan hành pháp. Ai cũng mong muốn điều hành trên nền Luật pháp để đất nước phát triển nhưng tổ chức để thi hành luật pháp của nước ta thiếu rất nhiều về đội ngũ cán bộ, đội ngũ công chức, đội ngũ lao động làm việc trong cơ quan hành pháp cũng như cơ quan tư pháp. Chính phủ mới cũng đã rất chú trọng trong công tác cán bộ, con người để công tác tổ chức thi hành luật đi vào được với dân và có giám sát đến cùng nhằm xem xét, đánh giá luật có gần dân hay không. Nếu như luật ban hành rồi mà không có sự tổ chức thi hành tốt và không có sự giám sát thi hành thì sẽ không hiệu quả. Mà không hiệu quả thì luật không đi vào cuộc sống và dân sẽ không được lợi và sẽ không phát triển bền vững. Sự phát triển bền vững luôn gắn với ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là 3 chân cột không thể nào thiếu trong sự phát triển bền vững. Chính phủ kiến tạo phải đảm bảo được 3 mục tiêu đó, tức là phải song song đạt được mục tiêu đất nước phải phát triển bền vững vừa no đủ, vừa được sống trong môi trường trong lành, an sinh xã hội đảm. Mỗi con người phải được hưởng tất cả các quyền mà Hiến pháp quy định, ví dụ như quyền tiếp cận giáo dục, quyền tiếp cận văn hóa, quyền được sống trong môi trường trong lành.
PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” có quan hệ như thế nào với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân?
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Như tôi cũng đã nói ở trên, nguyên tắc tối thượng là phải xuất phải từ dân để làm cơ sở đề ra các mục tiêu hay các chương trình hành động định hướng phát triển vì dân, luôn xem xét đến yếu tố là nhu cầu của Nhân dân. Bây giờ mình đã có cuộc sống tự do rồi, cuộc sống ấm no là tương đối rồi, vấn đề mình đang mong là dân giàu, dân giàu thì nước mới mạnh. Trên cơ sở Chính phủ kiến tạo, phải tổ chức làm sao để phát triển kinh tế một cách bền vững, trong đó mọi người trong xã hội đều nâng chất lượng cuộc sống lên. Đó là mục tiêu hành động của Chính phủ, cũng là mục tiêu hành động của Quốc hội, mục tiêu của Đảng: nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân kể cả vùng sâu vùng xa, vùng núi. Trên cơ sở điều hành bằng luật pháp mọi người đều có quyền bình đẳng, luật pháp quy định mọi người được tiếp cận các quyền Hiến pháp quy định bình đẳng như nhau, kể cả tiếp cận về giáo dục y tế, tài chính, về vốn.
Chính phủ kiến tạo phát triển có quan hệ rất mật thiết với sự phát triển bền vững ở Việt Nam trên cơ sở 3 trụ cột “Kinh tế, xã hội, môi trường” ,tức là vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội. An sinh xã hội ở đây là gì? Hiện nay đất nước chúng ta là đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên ta phải quan tâm đến tất cả mọi người trong đó có những người có công, những người lao động, những người nghèo, phải tạo điều kiện để mọi người có quyền sống, quyền bình đẳng và có quyền tiếp cận như nhau những quyền mà Hiến pháp quy định. Đối với vấn đề môi trường, chúng ta phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi kinh tế bằng môi trường. Chúng ta giàu, chúng ta vui, hạnh phúc trong một môi trường trong lành kể cả tự nhiên và xã hội. Tự nhiên phải không bị ô nhiễm, môi trường trong lành thì người dân bớt được bệnh tật, bớt khổ sở. Thứ hai, về môi trường xã hội, mọi người sống, quan hệ trong môi trường xã hội gần gũi, chia sẻ. Chính phủ kiến tạo có liên quan rất mật thiết với sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam và nếu xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo thì câu chuyện đạt được mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên dễ hơn nhiều.
PV: Làm thế nào để nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới?
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Cam kết và mục tiêu Thủ tướng Chính phủ nêu rồi, nhưng muốn thực hiện các cam kết và mục tiêu đó thì không chỉ Nguyên thủ tướng mà phải cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trong hệ thống cơ quan hành pháp của mình bao gồm các đồng chí Bộ trưởng, các ngành các cấp cơ sở phải thấm nhuần mục tiêu “Chính phủ phải kiến tạo”. Mọi chương trình hành động phải đảm bảo do dân và vì dân, bộ máy hành chính từ trên xuống dưới phải đồng loạt nhất trí để mọi người thấy “Chính phủ kiến tạo phát triển” là mục tiêu tối cao của sự phát triển đất nước. Tất cả mọi tầng lớp đều cùng vào cuộc thì mới xây dựng được mục tiêu Chính phủ kiến tạo, một mình đồng chí Thủ tướng không thể làm được mặc dù đó là sự mong muốn của Thủ tướng. Để tổ chức thực hiện và đưa luật pháp vào cuộc sống thì tôi nghĩ cơ quan hành pháp vô cùng quan trọng và có vị trí rất quan trọng trong tổ chức thực hiện Hiến pháp 2013 Quốc hội đã ban hành.