Theo báo Lao Động, ăn tối lúc 21h sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu não lên 28% so với ăn lúc 20h. Ăn tối sớm hơn một giờ thì nguy cơ mắc bệnh mạch máu não sẽ giảm 7%. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy ăn tối sớm hơn giúp giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và các bệnh mạch máu não khác.
Thường xuyên ăn sáng quá muộn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cứ ăn sáng muộn một giờ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu não thêm 6%. Do đó nên ăn sáng lúc 8 giờ sáng.
Có thể thấy những người thường xuyên bỏ qua bữa sáng và ăn tối muộn hơn đối diện nguy cơ đột quỵ hay bệnh tim mạch nhiêu hơn. Bên cạnh đó, việc ăn các thức ăn nhanh, quá trình bổ sung dinh dưỡng hàng ngày kèm theo thời gian nhịn ăn sẽ ảnh hưởng tới nhịp sinh học của các cơ quan trong cơ thể. Từ đó ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của tim, ví dụ như điều hòa huyết áp.
Tốt nhất nên ăn tối khoảng 4-5 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ.
Tốt nhất nên ăn tối khoảng 4-5 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Ảnh minh hoạ.
Khi cơ thể phải hấp thụ quá nhiều năng lượng do ăn quá no trong bữa ăn tối sẽ dễ dẫn đến lượng cholesterol trong máu tăng cao. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Những người trung niên trở lên, khi ăn quá no vào buổi tối, nhất là những loại thức ăn khó tiêu hóa, thức ăn có chứa nhiều chất béo, chất đạm… sẽ gây áp lực rất lớn cho tuyến tụy phải tiết ra insulin, buộc tuyến tụy phải làm việc quá tải, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiểu đường sau này.
Không nên ăn tối quá no nhưng cũng không nên nhịn bữa tối. Các món ăn cho bữa tối nên ít calo, ít chất đạm, tăng cường rau xanh và ngũ cốc dạng thô. Khi ăn nhiều chất xơ và vitamin, cơ thể sẽ đảm bảo nạp đủ năng lượng. Một bữa ăn tối đúng cách và lý tưởng cần có ít nhất 1/2 là rau, còn lại là protein và tinh bột. Có thể có thêm ít chất béo đơn chưa bão hòa như dầu ô liu, dầu mè và các loại hạt.
Sau khi ăn tối nên uống một cốc nước ấm nhỏ nhằm giảm nguy cơ thiếu nước vào ban đêm. Điều này còn có thể giúp giảm nguy cơ bị chuột rút, giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim đối với những người mắc bệnh tim mạch.
Hầu hết các nhà khoa học thống nhất rằng, ăn trong khung thời gian 17-19h là lý tưởng. Càng muộn thì bạn càng nên tiêu thụ ít thức ăn hơn.
17h là thời điểm tốt nhất cho bữa tối. Ảnh minh hoạ.
Một nghiên cứu được công bố trên Cell Metabolism phát hiện ra rằng, những người ăn bữa tối lúc 17h đốt cháy nhiều hơn 60 calo so với những người ăn tối muộn hơn. Những người tham gia nghiên cứu ăn tối muộn hơn cũng tích trữ chất béo khác nhau và có mức độ đói cao hơn.
Điều này có nghĩa, theo nghiên cứu, 17h là thời điểm tốt nhất cho bữa tối nếu bạn đang cố gắng giảm cân, nhưng ăn vào thời điểm này còn có những lợi ích khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi ăn sớm hơn, chúng ta điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn và cải thiện quá trình trao đổi chất béo, đây là một yếu tố trong quá trình lưu trữ chất béo. Ăn tối sớm và nhẹ giúp cải thiện giấc ngủ, cải thiện tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất và giảm huyết áp.
Nếu bạn hầu như không thể ăn vào lúc 17h, đừng lo lắng. Thời điểm bạn ăn tối nên cách giờ đi ngủ 3-4 giờ để đảm bảo sức khỏe vì quá trình tiêu hóa chậm lại vào cuối ngày.
Theo Cleveland Clinic, việc có một khoảng thời gian 3 giờ trước khi ngủ sẽ cải thiện giấc ngủ và quá trình tiêu hóa của bạn. Vì vậy, nếu bạn không ngủ trước 22h, hãy ăn lúc 19h.
Điều này đặc biệt đúng đối với những người đang cố gắng giảm cân hoặc mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định. Đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, việc ăn sớm hơn sẽ làm giảm khả năng trào ngược thức ăn từ dạ dày vào thực quản.
Theo Mayo Clinic, bạn cũng nên tránh ăn quá sớm vì đi ngủ khi bụng đói có thể làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ. Để tránh bụng cồn cào và cơn đói khi nằm trên giường, hãy cố gắng ăn sáng nhiều hơn và ăn trưa nhiều hơn một chút so với bữa tối.
Thời điểm ăn tốt nhất cuối cùng sẽ khác nhau tùy theo từng người, tùy thuộc vào lịch trình và thói quen ngủ, nhưng tính nhất quán là chìa khóa để cải thiện sức khỏe tổng thể.
Việc duy trì lịch ăn uống nhất quán từ ngày này sang ngày khác có liên quan đến việc giảm cân, tăng năng lượng và giảm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa đối với bệnh mãn tính, theo Dân Trí.