Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trăm nghìn người Paris đổ xuống đường phố, phản đối giá cả leo thang

(DS&PL) -

Hơn 100.000 người dân đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Paris (Pháp) để phản đối tình trạng giá cả tăng vọt trong một thời gian dài, đồng thời kêu gọi cuộc tổng đình công từ ngày 18/10.

Reuters đưa tin ngày 16/10 (giờ địa phương) cho biết, hơn trăm nghìn người dân ở thủ đô Paris (Pháp) cùng đổ xuống đường phố để phản đối việc giá cả tăng cao trong thời gian dài. Trong nhiều tuần qua tại thành phố này, các cuộc đình công đòi lương cao hơn đã diễn ra tại các nhà máy lọc dầu, thúc đẩy tình trạng đình công của người lao động.

Cuộc biểu tình còn có sự tham gia của lãnh đạo đảng cực tả La France Insoumise Jean-Luc Melenchon và tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm nay Annie Ernaux, cùng với nhiều người dân khác kêu gọi cuộc tổng đình công vào ngày 18/10. 

Vị lãnh đạo Melenchon nói với đám đông người biểu tình ở thủ đô Paris: "Các bạn sẽ sống một tuần hoàn toàn khác, chúng ta là những người sẽ bắt đầu nó với cuộc tuần hành này".

Cuộc tuần hành diễn ra sau lời kêu gọi của liên minh nghị viện NUPES, với hy vọng có thể lật ngược tình thế, khi những cáo buộc bạo lực gia đình đang làm mất uy tín của các thành viên cấp cao.

Cuộc biểu tình trên đường phố của người dân Paris ngày 16/10. Ảnh: Reuters. 

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gabriel Attal cho biết liên minh cánh tả đang cố gắng khai thác tình hình hiện tại, được đánh dấu bằng các cuộc đình công liên tục tại các nhà máy hạt nhân của Tập đoàn Điên lực Pháp (EDF) và các nhà máy lọc dầu của Pháp.

Cuộc tuần hành của người dân trên đường phố thể hiện sự tức giận trước việc giá cả tăng cao và gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Các nhà tổ chức gọi đây là một “cuộc tuần hành chống lại chi phí sinh hoạt cao và không thích ứng với khí hậu”. Theo số liệu được tờ Aljazeera trích dẫn, 140.000 người đã tham dự cuộc biểu tình hôm 16/10 tại Paris. 

Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư lớn để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, người dân cũng yêu cầu các biện pháp khẩn cấp chống lại giá cả cao, bao gồm đóng băng chi phí năng lượng, hàng hóa thiết yếu và tiền thuê nhà, cũng như để các tập đoàn đánh thuế lớn hơn lợi nhuận thu được.

Khoảng 1/3 số trạm xăng trên toàn nước Pháp gặp vấn đề về nguồn cung, đồng nghĩa với việc các tài xế thường phải chờ hàng giờ để đổ xăng. Nhiều công ty đã cắt giảm việc đi lại và giao hàng, trong khi ngay cả các phương tiện dịch vụ khẩn cấp cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.

Cuộc biểu tình còn có sự tham gia của lãnh đạo đảng cực tả La France Insoumise Jean-Luc Melenchon và tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm nay Annie Ernaux. Ảnh: Reuters. 

Sự kết hợp của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định tài chính toàn cầu. Đối mặt với tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã áp đặt một loạt các quy định và hạn chế. 

Do sự hội tụ của thâm hụt kinh tế lớn, mức nợ doanh nghiệp trong lịch sử và các biện pháp kích thích được các chính phủ áp dụng, các quốc gia hiện đang phải chống chọi với lạm phát. Vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát của Pháp (đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) là 5,8%, so với 7,9% ở Đức, 9,1% ở Ý và 9,9% ở Anh.

Thách thức chính mà các quốc gia phải đối mặt và góp phần gây ra lạm phát hay thậm chí là lạm phát đình trệ (ám chỉ sự kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế thấp) trong trường hợp của một số nền kinh tế - là giá năng lượng tăng quá lớn. 

Đối mặt với sự gia tăng này, tổng ngân sách nhà nước của Pháp dành cho việc giảm nhẹ hóa đơn năng lượng hộ gia đình sẽ đạt ít nhất 75 tỷ EURO trong các năm 2022-2023, với các chương trình như phiếu năng lượng hoặc lá chắn thuế quan, theo The Conversation UK. 

Những động thái này đã giữ tỷ lệ lạm phát của Pháp thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát của hầu hết các nền kinh tế châu Âu. Ngoài ra, các nguồn năng lượng độc lập đã làm cho Pháp ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, và do đó ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá năng lượng.

Bích Thảo (Theo Reuters, Aljazeera, The Conversation UK) 

Tin nổi bật