VTC News đưa tin, ngày 31/7, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 7/2023, TP.HCM có 13.173 ca mắc tay chân miệng.
Hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 477 ca, trong đó có 476 ca mắc dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%). Có 36 ca nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Chỉ tính riêng ngày 28/7, qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TP.HCM phát hiện 288 ca mắc tay chân miệng, trong đó đã bổ sung 22 ca mắc mới từ các ngày trước.
Hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 477 ca, trong đó có 476 ca mắc dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%). Ảnh: Báo Thanh niên.
Cũng từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Hiện các Bệnh viện trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca sốt xuất huyết (106 ca tại TP.HCM), trong đó 69 ca người lớn, 89 ca trẻ em.
Đáng chú ý, có đến 13 ca sốt xuất huyết nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng, trong tuần qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin cho người dân biết về phòng, chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Theo báo Thanh niên, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng xuất hiện tại TP.HCM nhiều năm. Như năm 2022, TP.HCM có số ca mắc SXH và tử vong cao nhất trong nhiều năm qua, do đó phải hết sức cảnh giác.
Trong những tháng đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tuy thấp hơn cùng kỳ 2022 nhưng Sở Y tế đánh giá nguy cơ có thể bùng phát, lan rộng nếu không có các giải pháp. TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ đầu năm và đã triển khai kiểm soát khá tốt sốt xuất huyết.
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết tốt hơn, bác sĩ Hưng cho rằng phải huy động người dân cùng tham gia diệt muỗi, lăng quăng và phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" các điểm nguy cơ để chính quyền địa phương xử lý.
Còn với dịch bệnh tay chân miệng, bác sĩ đánh giá nguy cơ gia tăng sắp tới là rất lớn, đặc biệt là ở các gia đình có trẻ em. Do đó các phòng y tế quận, huyện tăng cường giám sát ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt là báo cáo ca bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó là truyền thông về rửa tay, phòng chống lây nhiễm từ người nuôi bệnh.
Như Quỳnh (T/h)