Ông Putin cho rằng các quốc gia lớn trên thế giới sớm muộn cũng sẽ sở hữu vũ khí siêu thanh nên Nga phải là nước sở hữu công nghệ phòng thủ đầu tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị quân đội Nga tăng cường năng lực sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Sputnik |
Trong một cuộc họp với các quan chức quân đội cấp cao ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo phát triển lực lượng không gian và coi việc lập hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của lực lượng này.
Ông Putin nhấn mạnh, Nga phải là quốc gia đầu tiên sở hữu hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh.
“Chúng ta đều biết, hiện tại chỉ có Nga sở hữu vũ khí siêu thành. Song chúng ta cũng hiểu rằng các quốc gia lớn trên thế giới sớm muộn cũng sẽ sở hữu loại vũ khí này. Chúng ta cần sở hữu công nghệ phòng thủ các hệ thống vũ khí này trước khi bất kỳ quân đội nào trên thế giới đưa vũ khí siêu âm vào biên chế”, ông Putin nói.
Trước đó, ngày 11/1, thiếu tướng Howard Thompson, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ từng đề cập đến các vũ khí siêu vượt âm mới của Nga. Ông cho rằng các vũ khí và tư duy phòng thủ hiện nay của Mỹ không thể chống được tên lửa siêu vượt âm Nga đang phát triển.
Báo cáo tình báo Mỹ hồi tháng 5/2018 nhận định thiết bị Avangard của Nga có thể đủ sức vượt qua mọi lá chắn tên lửa của Washington và đồng minh.
Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten hồi tháng 3/2018 cũng nhận định rằng nước này hiện chưa có biện pháp nào có thể chống lại đợt tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc, đồng thời đề xuất phát triển một loại vũ khí mới để răn đe.
Nga phóng thử thành công tổ hợp Avangard với đầu đạn siêu thanh. Ảnh: Reuters |
Avangard là tên lửa liên lục địa có khả năng bay gấp 20 lần tốc độ âm thanh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin rất tự hào.
Về lý thuyết, một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn nổ thông thường, đầu đạn hạt nhân hoặc không có đầu đạn nào, thay vào đó, nó dựa vào động lực tuyệt đối để tiêu diệt mục tiêu. Hoạt động tầm thấp và khả năng cơ động cao so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa truyền thống giúp nó khó bị đánh chặn hơn. Cả Mỹ và Nga đều sở hữu các tên lửa đánh chặn mà họ tuyên bố có thể tấn công tên lửa liên lục địa (ICBM), nhưng với Avangard thì dường như là “bất khả chiến bại”.
Tổng thống Putin đã nhiều lần kêu gọi quân đội tăng năng lực chiến đấu kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF. Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Cuối năm 2018, Mỹ đơn phương tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã phát triển tên lửa cấm, tuy nhiên Washington cho biết họ có thể sẽ quay trở lại INF nếu Moscow loại bỏ những khí tài vi phạm quy định trong 6 tháng tới.
Nga đã bác bỏ cáo buộc này của Mỹ. Trong Thông điệp liên bang hôm 20/2, Tổng thống Putin cảnh báo: "Nga sẽ phát triển các loại vũ khí để đáp trả các mối đe dọa với Moscow nếu Mỹ triển khai tên lửa gần Nga.
Mộc Miên (Theo Sputnik)