Mỹ từng được kêu gọi phát triển các vũ khí siêu thanh để nâng cao năng lực phòng thủ, song Washington vẫn bị tụt hậu so với Trung Quốc và Nga.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga. Ảnh: ITN |
Mới đây, ông Howard Thompson, thiếu tướng về hưu và từng là tham mưu trưởng tại Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ ở bang Ohio, đã đưa ra nhận định về "sự bất lực" của các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ hiện nay trong việc ngăn chặn các tên lửa siêu thanh thế hệ mới nhất của Nga.
Ông Thompson cho biết Mỹ từng được kêu gọi phát triển các vũ khí siêu thanh để nâng cao năng lực phòng thủ, song Washington vẫn bị tụt hậu so với Trung Quốc - nước tiến hành số vụ thử tên lửa trong năm 2018 nhiều hơn Mỹ trong 10 năm cộng lại và Nga - nước vừa thử thành công một tên lửa siêu thanh vào tháng 12/2018.
Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có thể đạt vận tốc nhanh hơn 27 lần tốc độ âm thanh (Mach 27), điều khiến nó không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện nay.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov, Nga đã bắt đầu phát triển Avangard từ năm 2002 khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo và bắt đầu triển khai tên lửa phòng không đến châu Âu. Ông khẳng định Nga đã sản xuất được hàng chục tên lửa này và đang đặt ở nhà máy ở tình trạng chưa bơm nhiên liệu nhằm giúp nó có tuổi thọ lớn hơn.
Avangard được lắp trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách trên 10.000 km. Điểm mạnh của vũ khí này là tốc độ lên tới 25.000 km/h và độ cao hành trình nhỏ, giúp nó tránh những hệ thống cảnh giới mặt đất và trên không gian. Ngoài ra, Avangard cũng có khả năng cơ động trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn.
Giới chuyên gia quân sự nhận định lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ dễ dàng bị xuyên thủng bởi các vũ khí chiến lược mới được Nga công bố như Avangard.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã phát triển và thử nghiệm thành công loại máy bay siêu thanh tối tân bay bằng chính sóng xung kích tự tạo ra, có thể duy trì tốc độ cao đạt tới hơn 7.000 km/giờ.
Tạo hình ban đầu về vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh Glide Breaker của Mỹ. Ảnh: TWITTER |
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Giải trình Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) đã kết luận rằng hiện Mỹ không có các biện pháp ứng phó với mối đe dọa từ các tên lửa siêu thanh.
Mặc dù Mỹ lập kế hoạch sở hữu các vũ khí siêu thanh trước năm 2025 và đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc phát triển một hệ thống đánh chặn để đối phó với loại vũ khí này, song tướng Thompson cho rằng cần có một chương trình hợp tác sâu rộng giữa Bộ Quốc phòng và các công ty sản xuất vũ khí để đối phó với các vũ khí uy lực của Nga và Trung Quốc.
"Đối phó với mối đe dọa này đòi hỏi sự đầu tư của Mỹ vào một cấu trúc phòng thủ rộng lớn, một chuỗi các hệ thống mạnh mẽ được lên kế hoạch, thiết kế, phát triển và triển khai một cách tổng thể", ông Thompson nhận định.
Hồi tháng 4/2018, không quân Mỹ đã trao cho nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin một hợp đồng để phát triển một nguyên mẫu vũ khí siêu thanh.
Đến tháng 12/2018, Cơ quan các dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đang tìm kiếm các “bản thiết kế mới” và vật liệu để đảm bảo đầu đạn siêu thanh không bị đốt cháy trong khí quyển.
Ngoài ra, một dự án khác của Mỹ gọi là “Glide Breaker” nhằm phát triển một vũ khí đánh chặn có khả năng vô hiệu hóa tên lửa siêu thanh cũng đang được DARPA xúc tiến.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên trang tin The Hill hôm 10/1, ông Thompson cảnh báo các chỉ huy quân sự Mỹ đang phớt lờ việc phát triển các hệ thống phòng thủ để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)