Chiếc sơ mi trắng và giọt nước mắt của nhà đầu tư
Ngày 22/7, sau hơn 2 năm bị bắt, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đưa ra tòa xét xử về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Quyết, 49 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Đúng 6h50, ngày 22/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen, tay còng số 8 bước xuống xe thùng. Cựu Chủ tịch FLC cũng là bị cáo duy nhất không đeo khẩu trang khi tới tòa. Có thể thấy rõ, nét mặt hốc hác, mệt mỏi của ông Quyết khi được áp giải đến tòa.
Ngày ra tòa, cựu Chủ tịch FLC mặc áo sơ mi trắng, quần đen
Nhìn theo bóng dáng của cựu Chủ tịch FLC, nhiều nhà đầu tư mắt ngấn lệ. Dường như, trong hơn 2 năm qua, những “ấm ức”, khổ cực họ đã phải trải qua khi ông Quyết bị bắt bỗng trực trào không thể kiềm chế. Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) ROS là bị hại trong vụ án.
Là 1 trong hàng chục nghìn bị hại, anh Lê Ngọc Nông (46 tuổi, ở Quảng Nam) nghẹn ngào chia sẻ, bản thân mình đã đầu tư 14 tỷ đồng vào 3 mã cổ phiếu bị thao túng giá. Số tiền này do anh đi làm tích góp gần 30 năm và vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè.Khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, giao dịch bị đình chỉ, anh Nông rơi vào cảnh sạt nghiệp tay trắng. Mỗi ngày, anh Nông đang cố cầm cự để trả lại ngân hàng. Thậm chí, anh Nông còn phải bán nhà, tài sản để trả nợ.
Để có thể ra Hà Nội dự tòa, anh Nông phải vay mượn tiền bởi mình đã rơi vào cảnh "tay trắng" khi đầu tư.
Sau tất cả, bị hại này cho biết chưa một lần được phía FLC liên hệ.“Tôi đã rơi vào hoàn cảnh khốn cùng khi cạn sạch tiền. Để có thể ra Hà Nội dự tòa, tôi phải vay mượn tiền, không dám đi máy bay nên chọn đi tàu cho rẻ. Ra Hà Nội còn chi phí ăn uống, thuê trọ. Khổ cực lắm. Giờ tôi chỉ mong tòa xử đúng người, đúng tội, giành lại được quyền lợi, tiền bạc cho các nhà đầu tư”, anh Nông rưng rưng chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với anh Nông, 1 số nhà đầu tư khác cũng chia sẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi “ôm” hết tiền đầu tư các mã cổ phiếu. Hiện giao dịch bị đình chỉ khiến các nhà đầu tư lao đao và phải trả lãi ngân hàng do trước đó đã vay để đem đi đầu tư.
Nhóm bị cáo “họ Trịnh”
Trong phần xét hỏi của HĐXX trong sáng 22/7, 1 điều đặc biệt khi có rất nhiều bị cáo cùng mang “họ Trịnh”. Hàng loạt các bị cáo lần lượt đứng lên bục xét hỏi, cùng trả lời những câu hỏi tương đối giống nhau của chủ tọa: "Bị cáo có quan hệ như thế nào với Trịnh Văn Quyết?"; "Bị cáo có góp vốn, có là cổ đông của Tập đoàn FLC?";; "Bị cáo có được hưởng lợi gì không?"...
Và cũng lần lượt những câu trả lời vang lên: Bị cáo là em gái Trịnh Văn Quyết, bị cáo là con nhà bác ruột của Trịnh Văn Quyết, bị cáo là cháu họ bị cáo Quyết…
Quyết định cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) để tiến hành xét hỏi nhóm bị cáo giữ vai trò “giúp sức” được HĐXX đưa ra ngay sau đó.
Hai em gái của bị cáo Trịnh Văn Quyết
Trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), khai khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo xác nhận 6 chữ ký của mình đã ký vào các hợp đồng ủy thác. Tổng giá trị các hợp đồng này là hơn 360 tỷ. Tuy nhiên, bị cáo Nga không nhớ thời điểm ký và mục đích của việc ký hợp đồng này là gì. Bị cáo Nga trình bày, lúc ký, Trịnh Thị Minh Huế, (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột bị cáo Quyết và Nga) không nói mục đích, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nga mới biết có các hợp đồng và có chữ ký của mình.
Cũng khai với HĐXX, bị cáo Nga cho biết, không được hưởng lợi gì mà chỉ làm công ăn lương. Mặc dù là anh chị em ruột nhưng bị cáo không được bàn bạc về công việc.
Bị cáo Trịnh Tuân, cựu Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ Quyết) khai không phải là cổ đông Công ty FLC Faros, không góp vốn. Tuy nhiên, chữ ký của Tuân xuất hiện trong hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phần trị giá 15 tỷ đồng và một số chứng từ.
Tương tự, bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (họ hàng với ông Quyết) - cho rằng vì anh em Quyết - Huế nhờ vả nên ký các thủ tục nâng khống vốn góp; đứng tên cổ đông, nhận ủy thác đầu tư với số tiền lớn để hợp thức việc nâng khống vốn góp tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE để bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Và cuối cùng đặc điểm chung trong các câu trả lời của những bị cáo “họ Trịnh” là: “Bị cáo không được hưởng lợi gì”.
Những cuộc gặp gỡ đặc biệt
Bước sang ngày 23/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác bước sang ngày làm việc thứ hai với phần xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) khai, được nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros có vấn đề về kiểm toán và Ủy ban Kiểm toán đã "lưu ý cẩn trọng". Tuy nhiên, trong vai trò Chủ tịch HĐQT của HOSE, ông không có quyền quyết định việc niêm yết hay không. Hồ sơ này được hội đồng thẩm định niêm yết và ban điều hành nghiên cứu trong nhiều tháng trước khi ra quyết định.
Các bị cáo tại toà
Tại cuộc họp, Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết bảo đủ điều kiện niêm yết dựa trên thủ tục. Còn HĐQT HOSE chỉ nghe và thống nhất ý kiến, có chức năng kiểm tra, giám sát. Bị cáo Sinh cho rằng, trong vụ án, trách nhiệm chính thuộc về người quyết định việc niêm yết là Tổng giám đốc HOSE.
Tại tòa, cựu Chủ tịch HOSE khẳng định trước khi cổ phiếu ROS lên sàn khoảng 5 – 6 tháng, ông đi công tác Quy Nhơn cùng Ban Kinh tế Trung ương và tại đây đã gặp bị cáo Trịnh Văn Quyết. Một thời gian sau, bị can Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, đang bỏ trốn) đến văn phòng HOSE, đề nghị ông Sinh chỉ đạo cấp dưới "làm nhanh hồ sơ Faros”.
Sau khi được phía FLC nhờ, cựu Chủ tịch HOSE đã trao đổi với ông Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM), bà Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) và một số cá nhân khác, đề nghị niêm yết nhanh cổ phiếu giúp doanh nghiệp.
Tại bục khai báo, ông Sinh cho rằng sai phạm trong việc niêm yết cổ phiếu ROS mang tính hệ thống. Tuy nhiên, bị cáo này nhìn nhận bản thân là lãnh đạo sở Sở nên phải chịu trách nhiệm. Ông Sinh thừa nhận cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của VKS là chính xác.
Tiếp đến là bị cáo Lê Hải Trà (cựu Tổng giám đốc HOSE) lên trả lời phần xét hỏi của HĐXX. Tại tòa, bị cáo khai, cá nhân ông có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết từ thời điểm trước năm 2016, khi ông Trà còn công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. "Bị cáo và ông Quyết quen nhau khi cùng chơi tennis", ông Trà khai tại tòa.
Cựu Tổng giám đốc HOSE cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn có các bước như: Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết sẽ tiếp nhận và xử lý các thủ tục; sau khi đủ các điều kiện, Phòng sẽ trình Hội đồng niêm yết để các thành viên đánh giá, đưa ra ý kiến; cuối cùng, Tổng giám đốc sẽ là người đưa ra quyết định theo thẩm quyền.
Ông Trà cũng cho biết, tư cách là một thành viên độc lập trong hội đồng, bị cáo có ý kiến tại phiếu đánh giá hồ sơ của phòng quản lý. Theo ông Trà, HOSE không biết về những thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, đồng thời Sở cũng không có chức năng, thẩm quyền trong kiểm tra, xác minh các thông tin này mà chỉ dựa trên hồ sơ được gửi để xử lý.
Bị cáo duy nhất phản cung và màn “quay xe” bất ngờ
Bước lên trả lời những câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu Kiểm toán viên CPA Hà Nội, khai làm giám đốc một chi nhánh của CPA Hà Nội, hoạt động dưới sự ủy quyền trực tiếp của ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội).
Trước tòa, bị cáo Tuấn khai được cấp phép hành nghề kiểm toán viên vào năm 2017 và khẳng định không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015. Theo bị cáo Tuấn, ông là cộng tác viên của CPA Hà Nội. Ông Tỉnh có thoả thuận với bị cáo khi khai thác và mang lại khách hàng cho công ty, bị cáo Tuấn được hưởng 20% doanh thu trên số tiền thực thu về.
Bị cáo Lê Văn Tuấn tại phiên tòa
Chủ tọa phiên tòa đã hỏi vì sao trong quá trình điều tra bị cáo có nhiều lời khai thể hiện có tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính 2014-2015 của Công ty Faros? Lúc này, bị cáo Tuấn bất ngờ trình bày những lời khai trước đó là không trung thực, do bị cáo phải chịu sức ép của ông Tỉnh.
Trước tòa, Tuấn khẳng định từng nói với ông Tỉnh sẽ không ký vào báo cáo tài chính vì Tuấn không làm. Tuy nhiên, theo Tuấn, ông Tỉnh đã hứa sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Bị cáo Tuấn khai nhận thức rằng nếu không đồng ý ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ông Tuấn khẳng định không biết các diễn biến hoạt động hồ sơ kiểm toán của Công ty Faros.
Chủ tọa hỏi lại bị cáo là kiểm toán viên đã hành nghề nhiều năm, bị cáo không thực hiện việc kiểm toán, liệu bị cáo có tự nhận kết quả kiểm toán mà mình không thực hiện không? Ông Tuấn thừa nhận đấy là hành vi vi phạm pháp luật và sai lầm của bị cáo "không làm cứ nhận". Lời khai của bị cáo là do ông Tỉnh cung cấp. Theo lời khai trước tòa, ông Tuấn cho biết được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của công an dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu. Bản giải trình này, theo bị cáo Tuấn, được sao chép vào một usb, sau đó Tuấn in ra để đến khi nào làm việc với công an, sẽ dựa vào nội dung trên để trả lời cho phù hợp với lời khai.
Tuy nhiên, trong ngày xét xử 27/7, Bị cáo Tuấn trình bày, sau khi xem xét tại phiên tòa, nhận thấy mình có trách nhiệm trong công việc của mình, bị cáo Tuấn xin nhận mình có ký vào các báo cáo tài chính, kiểm toán của Công ty Faros năm 2014-2015.
Trong đơn xin nhận tội, bị cáo Lê Văn Tuấn cho biết, bản thân đã khai nhận hành vi phạm tội khi làm việc với cơ quan điều tra. Song sau đó, Tuấn đã thay đổi lời khai, không nhận tội. "Nay, sau khi xem xét, tôi thừa nhận là có hành vi phạm tội, tôi đã ký vào các báo cáo kiểm toán", bị cáoTuấn viết trong đơn.
Đối với việc tại phiên tòa ngày 23/7, bị cáo Lê Văn Tuấn có đề nghị nhận lại số tiền 20 triệu đồng do vợ bị cáo đã nộp, trong phiên tòa chiều 27/7, ông Tuấn thay đổi đề nghị này và cho biết tự nguyện nộp số tiền trên.
Đồng thời, bị cáo Tuấn Trình cũng trình bày thêm, bản thân có vấn đề về tâm thần, trầm cảm, mất ngủ kéo dài và "lúc nhớ lúc quên".
Những giọt nước mắt trong lời nói sau cùng
Là bị cáo trình bày đầu tiên, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nghẹn ngào trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, ông luôn có những hoài bão và ước mơ phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định được xã hội ghi nhận, đánh giá cao cũng như thay da đổi thịt những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.
Tuy nhiên, với những ước mơ hoài bão đó, để thực hiện cùng 1 thời điểm, bị cáo Quyết đã phải làm một số việc “vượt quá giới hạn pháp luật cho phép” dẫn đến hậu quả xót xa như ngày hôm nay.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng bày tỏ sự ân hận vì hành vi của mình đã “kéo” theo nhiều người thân, bạn bè vào vòng lao lý và bản thân ông "không dám xin giảm nhẹ cho bản thân".
Cựu Chủ tịch FLC cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án, mong được nhận sự khoan hồng từ các vị cho tất cả các bị cáo trong vụ án này. Khi trở về ghế ngồi, bị cáo Quyết cúi mặt, liên tục lau nước mắt…
Ông Trịnh Văn Quyết bật khóc tại ghế ngồi
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết). Trong khoảng 10 phút, Nga khóc nói không thành lời. Bị cáo Nga cho biết, những ngày bị tạm giam là những ngày không bao giờ quên, đó là nỗi đau theo cả đời mình. Sau đó, bị cáo Nga nghẹn ngào gửi lời xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh đang phải chăm bố mẹ già, nuôi 3 con nhỏ.
“Ở đây cũng có anh, em, bạn bè, đồng nghiệp và cả chồng của bị cáo. Bên ngoài 3 con nhỏ của bị cáo bơ vơ, cha chồng bị cáo vì không chịu được cảnh chồng, em chồng bị cáo cũng vướng tù tội đã qua đời cách đây 3 tháng. Cha chết mà con không được nhìn mặt lần cuối… chỉ mong sau phiên tòa này bị cáo được về làm tròn chữ hiếu”, Trịnh Thị Thúy Nga khóc nức nở tại tòa.
Một bị cáo khác là Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) trong lời nói sau cùng đã bộc bạch, "anh Trịnh Văn Quyết vốn là niềm tự hào của gia đình". Bị cáo mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho anh trai mình để có cơ hội làm lại cuộc đời.
Bị cáo Huế cũng bày tỏ sự ân hận về việc làm của mình đã làm ảnh hưởng đến nhiều người, đều là những người đã tin tưởng bị cáo. Nghe lời nói sau cùng của các em gái, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC ngồi phía dưới đã khóc, liên tục lấy tay lau nước mắt.
HĐXX nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 14h ngày 5/8.