Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toàn cảnh gần 6 giờ đồng hồ "căng như dây đàn" vì thiết quân luật tại Hàn Quốc

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Theo giới quan sát, Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật được cho là nhằm giải tỏa sức ép chính trị ngày càng lớn nhắm vào mình.

Quyết định bất ngờ

22h23 ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”.Ông Yoon đề cập tới việc Đảng Dân chủ đối lập, chiếm đa số trong quốc hội, có động thái nhằm luận tội các công tố viên hàng đầu của Hàn Quốc và bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ.

"Thông qua lệnh thiết quân luật, tôi sẽ xây dựng lại và bảo vệ đất nước Hàn Quốc tự do đang rơi vào vực thẳm. Tôi sẽ loại bỏ các thế lực chống nhà nước càng nhanh càng tốt và bình thường hóa đất nước", ông Yoon nói, đồng thời kêu gọi người dân chịu đựng "một số bất tiện".

 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh cắt từ clip

Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng tổng thống có thể ban bố thiết quân luật trong hoàn cảnh "cần thiết để ứng phó với nhu cầu quân sự hoặc để duy trì an toàn và trật tự công cộng bằng cách huy động lực lượng quân đội trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự".

Động thái của ông Yoon gây “sốc” ngay cả với các đồng minh trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền, đồng thời bị quốc hội nước này chỉ trích gay gắt và châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên đường phố Seoul ngay trong đêm.

Sắc lệnh thiết quân luật được tướng Park An-su, chỉ huy thiết quân luật của Bộ chỉ huy Thiết quân luật ban bố vào đêm 3/12.

Theo sắc lệnh, kể từ 23h ngày 3/12/2024, mọi hoạt động chính trị, bao gồm các hoạt động của Quốc hội, hội đồng địa phương, đảng phái chính trị, hiệp hội chính trị, các cuộc biểu tình và tụ tập, đều bị cấm; tất cả các phương tiện truyền thông và xuất bản sẽ chịu sự kiểm soát của Bộ chỉ huy Thiết quân luật; các cuộc đình công, bỏ làm việc và tụ tập gây xáo trộn trật tự đều bị cấm; tất cả nhân viên y tế phải trở lại công việc trong vòng 48 giờ và toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ…

Nghị sĩ phải trèo tường vào nhà quốc hội

23h14 cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik, một thành viên của đảng Dân chủ đối lập, tới tòa nhà cơ quan lập pháp. Thêm nhiều nghị sĩ nữa tới cơ quan này, một số phải trèo tường vào bên trong khi lực lượng hành pháp chặn cửa nhà quốc hội.

Tới 0h27 ngày 4/12, số lượng nghị sĩ tới nhà quốc hội vượt qua 150, đáp ứng yêu cầu về số lượng để mở phiên họp. Phòng họp chính của quốc hội bị chặn từ bên trong.

Trong cuộc họp khẩn cấp bất thường vào đêm khuya, những nghị sĩ có mặt đã nhất trí bỏ phiếu thông qua quyết định bãi bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Yoon.

Các nghị sĩ tiến hành bỏ phiếu tối 3/12. Ảnh: Yonhap

Cụ thể, toàn bộ 190/300 nghị sĩ có mặt ở quốc hội đã bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật. Chủ tịch Quốc hội tuyên bố lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon vô hiệu.

Các đảng phái chính trị của Hàn Quốc đã cùng nhau phản đối thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol, bao gồm cả các thành viên trong đảng của Tổng thống. Người đứng đầu đảng của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã xin lỗi công chúng và yêu cầu Tổng thống giải thích.

Theo luật pháp Hàn Quốc, lệnh thiết quân luật sẽ bị bãi bỏ thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Khi "Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống phải thực hiện ngay lập tức và công bố quyết định này".

Đến 4h30 sáng 4/12, vài giờ sau phiên họp của quốc hội, ông Yoon tuyên bố chính thức hủy bỏ tình trạng thiết quân luật.

Tất cả 190 nghị sĩ tham dự đều bỏ phiếu chấm dứt tình trạng thiết quân luật. Ảnh: Yonhap

Giải tỏa sức ép chính trị?

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào các hành động tiếp theo của ông Yoon, khi phe đối lập ráo riết kêu gọi ông từ chức, hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

"Ông ấy chỉ có hai lựa chọn, từ chức vào hôm nay hoặc chờ bị luận tội", Giáo sư Luật và Khoa học chính trị Hahm Sung-deuk của Đại học Kyonggi cho biết. Ông Hahm gọi tuyên bố thiết quân luật là "một điều khủng khiếp đối với nền dân chủ của Hàn Quốc". Giáo sư cho biết, Tổng thống Yoon đã chứng minh rằng ông không hiểu "các quy tắc dân chủ".

Theo giới quan sát, những lý do lớn mà ông Yoon đưa ra như "dẹp bỏ các thế lực chống phá nhà nước, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do" dường như chỉ nhằm che đi một thực tế rằng Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật nhằm giải tỏa sức ép chính trị ngày càng lớn nhắm vào mình.

Trực thăng bay qua tòa nhà Quốc hội ở Seoul ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật. Ảnh: EPA

Tổng thống Yoon đang bị loạt rắc rối chính trị bủa vây, từ việc tỷ lệ ủng hộ của công chúng sụt giảm mạnh, bế tắc trong nỗ lực ban hành chính sách cho đến việc vợ ông bị điều tra với cáo buộc nhận hối lộ là chiếc túi xách hàng hiệu.

"Quyết định này có lẽ phần lớn xuất phát từ động lực của ông Yoon muốn vượt qua những khó khăn chính trị trong nước ngày càng tăng và đối đầu với những gì ông coi là nỗ lực của đảng đối lập nhằm lật đổ mình", ông James Park, chuyên gia tại Chương trình Đông Á thuộc Viện Quincy, trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Người dân Hàn Quốc gần đây tỏ ra bất bình với cách điều hành của Tổng thống Yoon. Suốt nhiều tháng, tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống mức 20%, gần đây còn chạm mức thấp kỷ lục 17%.

Vào tháng 4, đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon đã thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội và phe đối lập đã giành được thế đa số. Ông Yoon trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong nhiều thập kỷ phải đối mặt với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong toàn bộ thời gian tại nhiệm.

Quyền lực của Tổng thống Yoon theo đó đã bị khóa chặt. Ông không thể thông qua các luật mình muốn, mà thay vào đó chỉ còn cách phủ quyết những dự luật do phe đối lập thông qua. Đây dường như là điều ông ám chỉ khi cho rằng phe đối lập đã "làm tê liệt đất nước".

"Tổng thống Yoon chắc chắn không được tín nhiệm và cảm thấy thất vọng vì bị trói tay trong các quyết định chính trị", ông Celeste Arrington, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc George Washington, nhận xét.

Phản ứng của Mỹ

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder cho biết quân đội hai nước Mỹ và Hàn Quốc đang “giữ liên lạc” sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ tuyên bố thiết quân luật. Tới nay, Lầu Năm Góc chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ Seoul trong bối cảnh các sự kiện đang diễn ra.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 3/12, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder cho biết thêm ông không tin việc tuyên bố thiết quân luật có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder. Ảnh: Getty

Thiếu tướng Patrick Ryder nói: “Bộ trưởng (Lloyd) Austin và Bộ Quốc phòng vẫn đang theo dõi sát tình hình đang diễn ra tại Hàn Quốc. Mỹ đang liên lạc chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc để tìm hiểu thêm thông tin và theo dõi sát các diễn biến”.

Trong khi đó, Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: “Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Yoon, hủy bỏ ban bố thiết quân luật khẩn cấp theo Hiến pháp Hàn Quốc sau khi Quốc hội bỏ phiếu nhất trí bác bỏ tuyên bố này”, 

Ông Blinken nói thêm Mỹ mong đợi Hàn Quốc “sẽ giải quyết các bất đồng chính trị một các hòa bình”, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Washington với đồng minh Seoul.

Tin nổi bật