Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính

(DS&PL) -

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển – Thông điệp mới của Chính phủ.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển – Thông điệp mới của Chính phủ.

Tại hội nghị cải cách hành chính diễn ra vào tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tâm huyết xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nghị quyết 100/NQ-CP, ngày 18/11/2016, của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”, trong đó xác định “xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển” – một thông điệp mới đang được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP nêu trên, Phóng viên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế về “Chính phủ kiến tạo phát triển”.                                        

PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo, phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP của Chính phủ?

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế:  Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đó là: Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Theo đó, Chính phủ  tập trung thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tập trung các nội dung sau:

Hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp

Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao

Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Chính phủ để giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra phát hiện tham nhũng, và xử lý kịp thời, nhiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ y tế.

PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo và phát triển” trong xây dựng tổ chức, bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể của Bộ Y tế?

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế: Thực hiện Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, trong đó Bộ Y tế đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo và phát triển” trong xây dựng tổ chức, bộ máy của Bộ Y tế với nội dung cụ thể sau:

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế với các Bộ, ngành khác. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế cho các địa phương.

Rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ liên quan đến thực thi pháp luật (cấp phép) tập trung vào việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Rà soát, phân định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, không thành lập thêm tổ chức mới, từng bước sáp nhập, sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Y tế bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

 Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế trong đó hình thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trung ương và Cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm, thuốc và trang thiêt bị y tế (FDA) và chuyển một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý.

Ngoài ra, rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế tại các địa phương: Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm trong khối y tế dự phòng (Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống sốt rét, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường …); thành lập Trung tâm y tế huyện 2 chức năng trên cơ sở sáp nhập Trung tâm y tế huyện và bệnh viện huyện.

PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn nhận lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ thời gian qua, Đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế: Với cách hiểu về Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo và phát triển”  như trên, thực tiễn trong thời gian vừa qua khi xây dựng tổ chức bộ máy, ngành y tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Các cơ quan hành chính thuộc Bộ còn trực tiếp thực hiện nhiều các công việc thực thi pháp luật (cấp phép), cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương.

Việc phân định chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan đơn vị thuộc Bộ về một số lĩnh vực như: vấn đề quản lý dược liệu, thuốc đông y, quản lý các bệnh không lây nhiễm….chưa rõ ràng, cần được phân định rõ ràng hơn.

Số lượng các đơn vị thuộc Bộ Y tế (kể cả các cơ quan hành chính thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế) khá lớn (20 cơ quan hành chính và 83 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ), cần tiếp tục sáp nhập, thu gọn đầu mối tổ chức và chuyển một số đơn vị sự nghiệp về địa phương quản lý. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức  trong mỗi cơ quan đơn vị thuộc Bộ Y tế cũng cần cần được sắp xếp, tinh gọn trong thời gian tới.

Một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiệm việc sáp nhập các đơn vị, tuyến tỉnh và huyện theo hướng dẫn của Bộ, nên tồn tại mô hình nhiều phòng và trung tâm dẫn đến chồng chéo trong khi thực hiện các công việc.

Công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao còn hạn chế. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành, thực hiện việc sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức công khai, minh bạch, hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch đẹp hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

PV: Trong thời gian tới, căn cứ những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, Bộ có xây dựng một Chương trình hành động riêng để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” không?  Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ ban hành?

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế: Căn cứ những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động của ngành y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, và Bộ Y tế cũng dự kiến xây dựng  chương trình hành động riêng để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

Bộ Y tế sẽ giao cho Vụ Tổ chức cán bộ làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình này.

PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng.

Tin nổi bật