Nga phản hồi đề xuất "đổi tù binh lấy phân bón" của Ukraine
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết Kiev sẽ chỉ cho phép vận chuyển amoniac của Nga qua lãnh thổ mình nếu Moscow bàn giao tù binh.
Cụ thể, ông Zelensky cho biết: "Tôi phản đối việc cung cấp amoniac từ Liên bang Nga qua lãnh thổ của chúng tôi. Tôi chỉ làm điều đó để đổi lấy các tù binh của chúng tôi. Đây là những gì tôi đề nghị với Liên Hiệp Quốc".
Việc cho phép Nga tiếp tục xuất khẩu amoniac qua Ukraine sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thăm thị trấn Izium ngày 14/9. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Điện Kremlin nhanh chóng bác bỏ lời đề nghị trên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đặt câu hỏi: "Con người và amoniac có giống nhau không?"
Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine đã "bắt giữ hàng trăm binh sĩ Nga làm tù binh trong cuộc phản công gần đây ở vùng Kharkiv" nhưng ông cũng thừa nhận Nga đang cầm giữ nhiều tù binh Ukraine hơn.
Liên Hiệp Quốc đã đề nghị nhà sản xuất phân bón Uralchem của Nga bơm khí amoniac bằng đường ống tới biên giới Ukraine. Đây là khu vực mà Trammo, công ty đặt trụ sở tại Mỹ, có thể mua loại khí này. Đường ống có thể bơm tới 2,5 triệu tấn amoniac từ vùng Volga đến cảng Yuzhny trên biển Đen mỗi năm. Song, cảng này đã bị đóng cửa kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Amoniac là thành phần quan trọng trong phân bón nitrat. Sự thiếu hụt nguồn cung amoniac có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực bởi phần lớn lúa mì trên thế giới đến từ Ukraine và Nga.
Theo ngành công nghiệp phân bón Nga, có tới 70% nhà máy amoniac ở châu Âu đã giảm hoặc ngừng sản xuất trong những tháng gần đây do giá năng lượng cao kỷ lục.
Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 ký một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian để nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển Đen của Ukraine nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia gần đây đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các lô hàng ngũ cốc và phân bón bị mắc kẹt.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 17/9 gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ sau khi Ukraine nhận được thêm 1,5 tỷ USD. Đây là đợt viện trợ cuối cùng trong số 4,5 tỷ USD từ Quỹ Tín thác Ngân hàng Thế giới. Ông Shmyhal cho biết số tiền này sẽ được dùng để chi trả lương hưu và các chương trình trợ cấp xã hội.
Đường dây điện chính tại nhà máy Zaporizhzhia được khôi phục
Ngày 17/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo 1 trong 4 đường dây điện chính của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) đã được sửa chữa và tiếp tục cung cấp điện cho nhà máy này từ lưới điện quốc gia, 2 tuần sau khi nhà máy ngừng hoạt động.
Trong một tuyên bố, IAEA nêu rõ: “Với việc khôi phục đường dây chính này (của ZNPP) vào chiều ngày 16/9, 3 đường dây điện dự phòng một lần nữa được đặt ở chế độ dự phòng. Ba đường dây điện chính 750 kV (kilovolt) còn lại đã bị ngắt trước đó."
Nhà máy điện hạt nhân Zaprorizhzhia. Ảnh: Imago
Mặc dù 6 lò phản ứng tại ZNPP đã ngừng hoạt động nhưng nhiên liệu trong đó vẫn cần được làm mát để tránh xảy ra thảm họa.
Trước đó, IAEA ngày 6/9 đã công bố báo cáo về kết quả chuyến thị sát tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời kêu gọi thiết lập ngay “vùng an ninh và an toàn” xung quanh nhà máy này nhằm ngăn ngừa một số “sự cố hạt nhân” có thể xảy ra do các hành động quân sự.
Trong báo cáo, IAEA liệt kê các hư hại ở nhiều phần của nhà máy, đồng thời cho rằng cần cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên người Ukraine để tránh "những lỗi trong thực hiện các quy định về an toàn hạt nhân."
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và có tổng cộng 6 lò phản ứng. Thời gian gần đây, khu vực xung quanh nhà máy xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự.
Nga và Ukraine cáo buộc nhau pháo kích nhà máy, dẫn tới yêu cầu IAEA thanh sát cơ sở này.
Minh Hạnh (T/h)