Tổng thống Nga bất ngờ đề cập "hạn chót" kết thúc xung đột tại Ukraine
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO hôm 16/9 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ làm mọi cách để kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Cụ thể, ông chủ Điện Kremlin chia sẻ: "Tôi biết lập trường của ngài về xung đột tại Ukraine, cũng như những nỗi quan ngại mà ngài liên tục bày tỏ. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để kết thúc cuộc xung đột càng sớm càng tốt".
Theo hãng tin TASS, tổng thống Nga cũng bày tỏ sự "tiếc nuối" vì phía "Kiev từ chối tiến trình đàm phán". Ông Putin nói thêm: "Họ tuyên bố rằng họ muốn đạt được mục tiêu của mình bằng các biện pháp quân sự. Như họ nói, trên chiến trường".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AP
New Delhi và Moscow có mối quan hệ lâu dài từ thời Chiến tranh Lạnh và cho đến nay Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.
Tại cuộc găp, nhà lãnh đạo Nga cũng đảm bảo với Thủ tướng Ấn Độ về việc thông báo thông tin liên quan đến cuộc xung đột này. Ông Putin lưu ý rằng Nga và Ấn Độ tích cực hợp tác trên các nền tảng quốc tế, thảo luận về mọi tình huống trên thế giới.
Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra sau những chia sẻ của Thủ tướng Ấn Độ rằng "thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh", và rằng chính dân chủ, ngoại giao và đối thoại đã giữ thế giới lại gần nhau.
Trước đó, tại cuộc họp báo sau Hội nghị SCO, Tổng thống Nga Putin cho biết, kế hoạch của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ không phải điều chỉnh, mục tiêu chính vẫn là giải phóng toàn bộ lãnh thổ Donbass.
"Kế hoạch này vẫn tiếp tục, bất chấp những nỗ lực phản công của quân đội Ukraine", RT dẫn lời ông Putin nói, đồng thời cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào từ cuộc phản công đang diễn ra của các lực lượng của Kiev và rằng nên chờ xem "mọi thứ kết thúc như thế nào".
Mỹ thừa nhận các biện pháp trừng phạt Nga không hiệu quả
Các quan chức Mỹ ngày 16/9 thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Trước doanh thu năng lượng cao kỷ lục của Nga và giá trị ngày càng gia tăng của đồng rúp, các quan chức Mỹ cho rằng, tác động của các lệnh trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận tại Nga.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi đã kỳ vọng rằng những biện pháp như loại Nga ra khỏi SWIFT và trừng phạt các ngân hàng của nước này sẽ phá hủy hoàn toàn nền kinh tế Nga”. Một quan chức khác lưu ý: “Washington hy vọng sẽ chứng kiến kinh tế Nga bị tổn thương nhiều hơn với các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ”. Nhưng mọi thứ dường như đi ngược lại với suy đoán của phương Tây.
Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh khác trong NATO, cùng Liên minh châu Âu đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga. Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới trong vòng 2 tuần sau cuộc tấn công. Nhưng sau các vòng trừng phạt liên tiếp, cấm vận về năng lượng và hạn chế Nga tiếp cận Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), Moscow vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thach. Đồng rúp tăng giá mạnh so với đồng USD giống như thời điểm 2019 và tỷ lệ lạm phát của Nga đã giảm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong một cuộc họp kinh tế đầu tuần này, tuyên bố rằng "chiến lược kinh tế chớp nhoáng" của phương Tây đã thất bại.
Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho rằng, đà phát triển của kinh tế Nga có thể sẽ chững lại vào giữa năm 2023. Nga sẽ cảm nhận rõ sự thiếu hụt nguyên liệu thô và linh kiện nước ngoài ở thời điểm đó.
Giống như các đối tác Mỹ, các quan chức châu Âu khẳng định rằng trong thời gian dài, các biện pháp trừng phạt của họ sẽ ảnh hưởng đến Nga. Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu vào đầu tuần này, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell lưu ý các biện pháp trừng phạt "có thể không có tác động ngay lập tức". Ông cho rằng: "Điều đó giống như việc ăn kiêng để giảm cân và bạn buồn bã vì bạn vẫn chưa giảm được cân chỉ sau vài tuần".
Minh Hạnh (T/h)