Ukraine công bố đề xuất đảm bảo an ninh
Theo đài RT, ngày 13/4, Ukraine đã công bố một đề xuất về các đảm bảo an ninh, vốn sẽ ràng buộc về mặt chính trị và pháp lý giữa quốc gia này và các quốc gia bảo lãnh trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược có tên là “Hiệp ước An ninh Kiev”.
Kiev đề nghị các nước bao gồm Mỹ, Anh, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho Ukraine. Theo RT, cách tiếp cận này cho thấy sẽ có một nhóm đồng minh “cốt lõi” đưa ra các cam kết rõ ràng để hỗ trợ quân đội Ukraine, trong khi nhóm khác sẽ cung cấp các đảm bảo phi quân sự cho Kiev bằng việc trừng phạt.
Xe quân sự của Ukraine tại vùng Kharkiv ngày 12/9. Ảnh: AP
Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andrey Yermak cho biết thỏa thuận này sẽ không thay thế cho việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà là một phương tiện đảm bảo an ninh cho đến khi Ukraine chính thức gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết “ưu tiên trước mắt” là giúp Kiev giành chiến thắng và nhấn mạnh Ukraine sẽ cần nhiều hỗ trợ từ các đối tác phương Tây trong nhiều thập niên nữa.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Kiev sẽ không nhận được bất kỳ "đảm bảo an ninh" nào, bởi vì đề xuất của họ về cơ bản là "mở đầu" cho Thế chiến III, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.
Theo ông, thỏa thuận do Kiev đề xuất tương đương với việc "áp dụng Điều 5 của NATO với Ukraine". Điều 5 NATO đề cập phòng thủ tập thể, nghĩa là một cuộc tấn công vào một trong các thành viên của liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả thành viên.
Phương Tây cân nhắc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine
Theo Financial Times, Mỹ và các đồng minh đang đàm phán về việc có gửi cho Ukraine những vũ khí tối tân hơn trong tương lai, bao gồm cả máy bay chiến đấu. Tờ báo này cũng cho hay, thành công trong đòn phản công của Kiev nhằm vào Moskva vào tuần trước là động lực để các quốc gia phương Tây xem xét việc tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine.
Financial Times dẫn nguồn tin cho hay, hiện các quốc gia phương Tây đang thảo luận về “nhu cầu dài hạn của Ukraine”. Một số nước cho rằng sẽ là phù hợp nếu gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine trong "trung hạn và dài hạn".
Trước đây, các quốc gia phương Tây từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với lý do mất nhiều thời gian đào tạo phi công Ukraine, các vấn đề về bảo dưỡng hệ thống vũ khí tiên tiến trên mặt đất và nguy cơ leo thang trong cuộc xung đột với Nga.
Kiev đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Slovakia khi nước này cho biết có thể cung cấp các máy bay phản lực cũ do Liên Xô sản xuất để hỗ trợ Ukraine. Quân đội Slovakia đã loại biên hàng loạt chiến đầu cơ MiG-29 vào cuối tháng 8.
Hôm 12/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng các lực lượng của Kiev đã đạt được “tiến bộ đáng kể” sau khi được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của phương Tây. Ông Blinken nói rằng, Mỹ và đồng minh vẫn cam kết "đảm bảo Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để phản công”.
Theo Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, các cơ quan tình báo phương Tây đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Cùng Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tích cực viện trợ về mặt quân sự và kinh tế cho Ukraine sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. Washington là nhà cung cấp quân sự chính của Ukraine, cam kết trang bị vũ khí trị giá 15,2 tỷ USD cho Kiev, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, pháo và đạn dược tương thích với vũ khí của NATO.
Moskva nhiều lần chỉ trích việc phương Tây giao vũ khí cho Kiev, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Minh Hạnh (T/h)