Trùm ma túy xứ Nghệ dùng "hàng nóng" mở "đường máu" thoát thân
Tang vật bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Công an Nghệ An
Hai đối tượng vừa bị Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) bắt giữ gồm Nguyễn Quốc Quân (SN 1996) và Hoàng Xuân Phi (SN 1995), cùng trú tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa.
Đây là hai đối tượng sừng sỏ trong giới buôn "hàng trắng" xứ Nghệ, được lực lượng phòng chống ma túy Công an Thị xã Thái Hòa đưa vào diện theo dõi từ lâu.
Khoảng 0h ngày 30/7, khi các đối tượng này đi xe ô tô 5 chỗ tại địa phận xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, nhóm đối tượng không chấp hành ma tăng ga để tẩu thoát. Ngay lập tức, Công an thị xã Thái Hòa tung lực lượng chia làm nhiều hướng bao vây, chặn bắt 2 đối tượng.
Chiếc xe của 2 đối tượng chỉ dừng lại khi đâm vào chiếc xe ô tô tải đã được bố trí chắn ngang đường từ trước.
Lúc này, Nguyễn Quốc Quân lấy khẩu súng lên đạn hòng "mở đường máu". Tuy nhiên, bằng các nghiệp vụ, cảnh sát đã ngay lập tức khống chế, bắt giữ thành công 2 đối tượng Quân và Phi, thu 1 khẩu súng quân dụng, 10 viên đạn và 1 thanh kiếm.
Hiện Công an thị xã Thái Hòa đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Quốc Quân để xử lý theo quy định. Đối tượng Hoàng Xuân Phi được bàn giao cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An để phục vụ công tác điều tra.
Nghệ An: Vận chuyển 7 cá thể hổ con còn sống lấy 5 triệu đồng tiền công
Trưa ngày 1/8, Trạm CSGT Diễn Châu, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An), bắt giữ vụ vận chuyển 7 cá thể hổ Đông Dương từ Hà Tĩnh ra Nghệ An để tiêu thụ.
Trước đó, vào khoảng 2h cùng ngày, Đội 3- Phòng Cảnh sát môi trường nhận được nguồn tin báo do quần chúng nhân dân cấp có một xe ô tô 7 chỗ màu trắng, mang biển kiểm soát 37A-032.58 đang vận chuyển một số động vật hoang dã không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đi qua đại bàn Nghệ An để tiêu thụ.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu tiến hành “đón lõng” trên quốc lộ 1A.
Đến 4h ngày 1/8, tổ công tác làm nhiệm vụ tại km 421+200 quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu phát hiện xe ô tô có đặc điểm nói trên nên đã ra tín hiệu, yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, tài xế không chấp hành hiệu lệnh còn cố tình phóng xe bỏ chạy. Khi tổ công tác áp sát, đối tượng lùi xe cho đâm vào xe ô tô của tổ công tác, làm hỏng phần đầu.
Lúc này, tổ công tác đã nhanh chóng khống chế bắt giữ 2 đối tượng cùng tang vật là 7 cá thể hổ và đưa về trụ sở Trạm CSGT Diễn Châu để làm rõ.
Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai tên là Trần Trung Hiếu (SN 1984) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967), cùng trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Các cá thể hổ con này được một người Lào (không rõ tên) thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) với số tiền công là 5 triệu đồng.
Được biết, 7 cá thể hổ con này là hổ Đông Dương, còn sống khỏe mạnh, đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) chăm sóc.
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra mở rộng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì về việc doanh nghiệp BĐS được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19
Một số doanh nghiệp BĐS ở Quảng Nam được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, liên quan đến ý kiến về việc sở Y tế tỉnh lập danh mục ưu tiên tiêm vaccine cho một số doanh nghiệp không phù hợp, lãnh đạo Sở này và Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã giải trình trong sáng cùng ngày.
"Theo giải trình của sở Y tế, các doanh nghiệp có số người đang thi công trên công trường hoặc đi giao dịch thường xuyên với khách hàng, có nguy cơ nhiễm và lây bệnh. Số liều tiêm cho các doanh nghiệp thực tế chỉ tiêm 40 liều", Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Lê Trí Thanh.
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, sở Y tế tỉnh đã ban hành văn bản 1893 ngày 27/7 và ban hành kế hoạch 504 ngày 28/7 dựa vào các văn bản của Trung ương và tỉnh.
"Qua phân tích, đánh giá tính chất làm việc của các nhân viên của các doanh nghiệp trên để xếp vào nhóm có nguy cơ nhiễm và lây bệnh là có phần đúng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này chưa bức thiết phải xếp vào nhóm ưu tiên trong đợt tiêm lần này. Việc xếp danh mục các loại hình doanh nghiệp để ưu tiên tiêm còn chủ quan, chưa xin ý kiến UBND tỉnh dù thuộc thẩm quyền của sở Y tế", ông Thanh thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Ban giám đốc sở Y tế làm kiểm điểm về việc này.
Pháp luật TP.HCM đưa tin, trước đó, ngày 27/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) thông báo về lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên trong đợt 3 năm 2021. Thời gian tiêm trong hai ngày 29 và 30/7 tại nhà đa năng trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.
Mục tiêu của việc tiêm vaccine nhằm phòng, chống dịch bệnh chủ động bằng việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng có nguy cơ tham gia trực tiếp công tác chống dịch.
Theo kế hoạch, danh sách các đơn vị tiêm có các doanh nghiệp bất động sản gồm: Công ty Cổ phần Bất động sản Nam Miền Trung (công ty con của Công ty Cổ phần Đất xanh Miền trung) với 67 người và Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt với 20 người, Công ty Cổ phần Chu Lai Hội An (thuộc Tập đoàn FVG) với 100 người.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về buổi tiêm vaccine COVID-19 tại Nhà đa năng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.
Tại buổi tiêm này, nhiều nhân viên của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Điều này khiên dư luận bày tỏ thắc mắc liệu tỉnh có ưu ái tiêm vaccine COVID-19 cho các doanh nghiệp bất động sản này và một số doanh nghiệp khác không?
TP.HCM tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày
Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, toàn địa bàn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 2/8.
UBND TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các sở ban ngành, chủ tịch UBND các quận huyện và TP Thủ Đức, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn 2468 ngày 23/7 và các công văn khác từ ngày 9/7 đến nay.
Các địa phương cần tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân thành phố yên tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho đến khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND thành phố phối hợp với các tỉnh thành đưa về quê theo nhu cầu.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giảm mật độ giao thông với các nhóm đối tượng, thời gian đã được quy định.
Về vấn đề tiêm chủng, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả, không để vaccine hết hạn.
Các quận huyện và TP Thủ Đức cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phấn đấu mỗi ngày một đội tiêm phải tiêm ít nhất 200 người/ngày. Tùy theo điều kiện có thể tổ chức tiêm sau 18 giờ đối với những điểm tiêm có khả năng đáp ứng để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, có thể tổ chức các đội tiêm lưu động để thực hiện tiêm chủng tại các khu vực đặc thù.
Cùng với đó, các địa phương đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ, nhất là người dân tại các khu phong tỏa, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân, nhất là người dân trong các khu phong tỏa.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã công bố việc toàn địa bàn tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy, với các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đến ngày 1/8.
Tính đến trưa 1/8, TP.HCM đã có 92.733 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng được bộ Y tế công bố.
Bạch Hiền (t/h)