Bộ GD&ĐT điều chỉnh lịch xét tuyển đại học năm 2021
Chiều 30/7, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH về hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2021 đã được Bộ ban hành ngày 14/4.
Theo đó, thời gian gian xét tuyển thẳng là trước 17h ngày 12/8 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1 (có thể tiếp nhận hồ sơ của các địa phương nếu có); ngày 1/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2.
Các thí sinh trúng tuyển thẳng sẽ gửi Hồ sơ và xác nhận nhập học tại các cơ sở đào tạo trước 17h ngày 22/8 với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1 và trước 17h ngày 3/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2.
Cơ sở đào tạo sẽ thông báo kết quả xét tuyển thẳng trước 17h ngày 25/8 với thí sinh dự thi đợt 1 và trước 17h ngày 4/9 với thí sinh dự thi đợt 2.
Thời gian công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành Sư phạm và sức khỏe là ngày 26/8. Thời gian công bố điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học: trước 17h ngày 28/8. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học: Từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9 (chỉ được điều chỉnh trực tuyến); điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ).
Trước 17h ngày 16/9, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17h ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện), thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học đợt 1.
Dự kiến từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển).
Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp do không thể tham dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tham gia xét tuyển đại học và cao đẳng, bộ GD&ĐT đề nghị các trường thực hiện điều chỉnh, bổ sung phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng thí sinh đặc cách.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, các cơ sở đào tạo xác định khu vực xét tuyển chủ yếu làm căn cứ tính toán; dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành/chương trình đào tạo tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Sau khi hoàn thành tổ chức đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, bộ GD&ĐT sẽ công bố danh sách các học sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 và các số liệu cần thiết khác của các địa phương trên cổng thông tin điện tử của bộ GD&ĐT.
Đối với các ngành học nhu cầu đào tạo lớn, điểm chuẩn các năm trước thường cao và những ngành đào tạo giáo viên thì trường có thể xét tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau lịch xét tuyển chung dựa trên kết quả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành này tương ứng tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường.
Có dấu hiệu xâm nhập trái phép đánh cắp dữ liệu đăng ký xe "luồng xanh"
Ngày 29/7, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của bộ Công an, cho biết Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) đã xác minh và phát hiện một số vấn đề gây ra sự cố làm gián đoạn ở hệ thống đăng ký giấy nhận diện phương tiện có mã QR code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ VN.
Theo ông Xô, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng thiết yếu giữa các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ thuộc bộ GTVT đã thuê một đơn vị xây dựng website đăng ký xe chạy luồng xanh.
Quá trình triển khai hệ thống, do yêu cầu cấp bách nên website chưa được trang bị công cụ bảo vệ dữ liệu và xuất hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Ngoài ra, số lượng người truy cập ngoài dự tính dẫn đến website bị quá tải.
"Cục A05 còn ghi nhận có dấu hiệu xâm nhập mạng trái phép để đánh cắp thông tin, dữ liệu đăng ký xe chạy luồng xanh", ông Xô nói và cho biết cơ quan chức năng chưa kết luận website bị tấn công mạng hay không. Sau khi hỗ trợ khắc phục sự cố, Cục A05 và các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục truy tìm, xác minh làm rõ vụ việc.
Hệ thống cấp "luồng xanh" hoạt động từ ngày 19/7, giúp các xe vận tải được ưu tiên qua lại địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Phương tiện được đăng ký vào luồng xanh là xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống COVID-19, gas, xăng dầu; chở hàng cứu trợ...
Các xe chở hàng hóa có dán thẻ nhận diện mã QR được di chuyển trên địa bàn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong khi các phương tiện khác bị cấm.
Ngay sau khi vận hành, nhiều cuộc tấn công nhằm vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR để ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh", tại địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn. Riêng ngày 26/7, hệ thống bị tấn công trung bình 500 lượt/giây, tương đương 720.000 lượt/giờ.
Các cuộc tấn công khiến hệ thống thường xuyên gián đoạn, cán bộ thụ lý không thể phê duyệt hồ sơ và đơn vị vận tải không thể truy cập, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá: "Các cuộc tấn công có mục đích phá hoại, làm tê liệt hệ thống".
Đến 4h sáng 27/7, hệ thống "luồng xanh" mới hoạt động bình thường trở lại. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển máy chủ hệ thống sang Viettel và nhờ chuyên gia tại đây tăng cường đảm bảo an toàn.
TP.HCM có thể kéo dài giãn cách theo chỉ thị 16 thêm 2 tuần
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc sáng 30/7. Ảnh: VnExpress
Sáng 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, tính đến nay TP đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.
Chỉ riêng 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TP phát hiện hơn 3.300 ca mắc, phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. Đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân; hiện đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có 875 người đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.
TP đã thành lập trung tâm điều phối xét nghiệm, tổ chức hơn 2.200 tổ lấy mẫu; thành lập 13 khu cách ly cấp TP, 345 khu cách ly cấp quận, huyện và 194 khách sạn có thu phí.
Hiện đang cách ly tập trung 12.380 người và cách ly tại nhà 37.800 người; thành lập 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng với 46.000 giường. Trong đó, tầng 5 đang điều trị 570 bệnh nhân nặng và rất nặng.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, đã thành lập tổ công tác đặc biệt để điều phối chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch, kết nối dữ liệu, điều phối vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. Đồng thời, huy động 4 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 với quy mô 375 giường.
Từ ngày 22/7 đến nay, TP.HCM đã tiêm được hơn 390.000 liều vắc xin, lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt. TP cũng đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng với số tiền 572 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động tự do đạt 100%.
Đánh giá việc thực hiện chỉ thị 16 tăng cường, chủ tịch UBND TP cho biết việc hạn chế ra đường từ sau 18h đến 6h sáng được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6h sáng đến trước 18h, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết.
Chủ tịch UBND TP cho biết có thể kéo dài giãn cách theo chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa từ sau ngày 1/8. TP sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6h sáng đến 18h. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
TP sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4, 5, rút ngắn thời gian điều trị F0. Sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực y tế cho phù hợp, trong đó bố trí các y bác sĩ giỏi để đảm bảo hạn chế thấp nhất tử vong. Đồng thời vận hành hiệu quả Trung tâm cấp cứu 115, không để chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng.
Trước đó, phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư chia sẻ những khó khăn, vất vả của TP.HCM trong việc phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch nước, đó là những tình cảm lớn lao mà toàn Đảng, toàn dân dành cho TP.HCM trong giai đoạn khó khăn này.
Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo cơ quan liên quan tại cuộc họp này có ý kiến với trách nhiệm lớn nhất, đóng góp cho TP.HCM, giúp TP.HCM sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Bình Dương: Triệu tập người tung tin đồn "5 máy bay trực trăng phun chất khử trùng"
Ngày 30/7, Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp cùng Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông tỉnh làm việc với ông H.C.T (chủ một gara ô tô) về việc đăng tải thông sai sự thật trên mạng xã hội.
Trước đó, lúc 17h40’ ngày 26/7, ông T. đã đăng tải bài viết có thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân “Garage Ôtô Công Thành” với nội dung: “Tối nay từ 11:40 tối, không ai nên ra đường. Cửa ra vào và cửa sổ nên được đóng lại khi 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng vào không khí để diệt trừ corona virus. Vui lòng xử lý thông tin này cho tất cả địa chỉ liên lạc của bạn”.
Khoảng 1h sau khi chia sẻ nội dung trên, ông T. nhận thấy thông tin này là không đúng sự thật nên đã chủ động gỡ bỏ bài viết.
Qua làm việc, ông T cho hay mình chỉ thoáng nghe không tin trên từ một số người truyền miệng nhau nhưng chưa tìm hiểu, xác minh thông tin lại chia sẻ là không đúng và cam kết sẽ không tái phạm.
Xét thấy lượt tương tác còn ít và ảnh hưởng dư luận chưa lớn, hành vi là bột phát, không tìm hiểu, xác minh thông tin khi đăng, chia sẻ nên cơ quan chức năng đã xử lý dưới hình thức nhắc nhở, cảnh cáo đối với ông T.
Bạch Hiền (t/h)