Để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hộ gia đình trong quá trình thắp hương phải trông coi ban thờ, bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đối với các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ, người dân nên để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên ban thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy; không thắp hương vòng qua đêm. Đồng thời, hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy và sử dụng nến trong thờ cúng; không nên đi ra khỏi nhà khi hương trên ban thờ chưa tắt. Đốt vàng mã phải có người trông coi; đúng nơi quy định, tránh xa nhưng nơi có vật dễ cháy.
Người dân không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn; không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy..., luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan. Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro.
Ngoài ra, các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Người dân tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy như bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc; trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ khi thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết. (Ảnh: Báo Tin tức)
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo phải tăng cường công tác thường trực, tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy; trang bị đầy đủ, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công cụ phá dỡ (như bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy; búa, kìm cộng lực, đèn pin, mặt nạ phòng độc, thang; dây hạ chậm…) để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Cùng với đó, các cơ quan, doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động; sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy và ngăn cháy theo quy định; xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và định kỳ thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định.
Đặc biệt, khi xảy ra cháy, người dân, các cơ quan, doanh nghiệp cần nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Đồng thời, thực hiện quy trình các bước xử lý như: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết; cắt điện, sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy; tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.
Ngày 21/1, trực thăng của Binh đoàn 18 đưa bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng từ đảo Trường Sa Lớn về Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu và điều trị.
Đại úy Nguyễn Văn Trình, Trợ lý phòng Chính trị, Công ty Trực thăng miền Nam (Binh đoàn 18), cho biết trên VnExpress, bệnh nhân Vũ Văn Thanh, 48 tuổi, là công nhân Công ty Vận tải Tâm An.
Ông Thanh đang được cấp cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn do bị sốc nhiễm khuẩn từ nhiễm trùng ống tiêu hóa. Ngoài ra, ông bị rối loạn chức năng hô hấp, tim mạch, thận; tăng huyết áp, bệnh gan mãn nghi do rượu. Bệnh nhân tiên lượng rất nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh xá đảo, phải thở máy nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch.
Ngay sau khi nhận được chỉ lệnh về việc sử dụng trực thăng bay cấp cứu, 12h30 ngày 21/1, Công ty Trực thăng Miền Nam đã sử dụng trực thăng EC225, số hiệu VN-8619 đi thực hiện nhiệm vụ. Tổ bay gồm Phi công lái chính, thiếu tá Nguyễn Đức Trung; lái phụ, đại úy Dương Văn Trưởng; kỹ thuật, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Bảo Khánh; cùng với tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175.
Chuyến bay cấp cứu đã hạ cánh an toàn tại bãi đáp trực thăng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175. (Ảnh: HP)
Máy bay cất cánh từ sân bay Vũng Tàu ra đảo Trường Sa Lớn. Khoảng 16h, trực thăng hạ cánh, tổ cấp cứu tiếp cận và đưa bệnh nhân lên trực thăng vận chuyển về đất liền.
Chuyến bay cấp cứu đã hạ cánh an toàn tại bãi đáp trực thăng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 lúc 20h cùng ngày. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Cấp cứu để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. "Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ bay phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối", Đại úy Trình nói.
Khoảng 18h ngày 20/1, ngọn lửa được phát hiện tại một khu rừng thuộc Bản Quất, xã Như Cố, huyện Chợ Mới sau đó lan rộng sang diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của nhiều thôn thuộc 2 xã Như Cố và Thanh Thịnh.
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết trên VOV, ngay khi phát hiện có cháy, khoảng 250 người gồm cán bộ địa phương, kiểm lâm, công an, quân đội và người dân đã khẩn trương triển khai công tác chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ.
Tuy nhiên, thời tiết hanh khô, địa hình đồi núi hiểm trở nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Đến trưa nay (21/1), ngọn lửa mới cơ bản được khống chế nhưng diện tích bị thiệt hại ước tính lên đến hơn 20ha.
Ngọn lửa bùng lên dữ dội khu vực xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: VOV)
Hiện địa phương đang tiếp tục cử các lực lượng túc trực tại hiện trường, sẵn sàng phương án chữa cháy nếu phát hiện lửa bùng phát trở lại. Đồng thời, các lực lượng công an, kiểm lâm cũng đang tiến hành kiểm đếm thiệt hại và xác định nguyên nhân vụ việc.
UBND huyện Chợ Mới cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời ứng trực đầy đủ trước cảnh báo cháy rừng tại địa phương này đang ở mức V (mức cực kỳ nguy hiểm).