Phần Lan triển khai quân tới sát biên giới Nga
Báo Thanh niên dẫn nguồn từ Đài Yle ngày 19/11 đưa tin quân đội Phần Lan đã được cử tới cửa khẩu Vartius gần thị trấn Kuhmo ở biên giới với Nga để hỗ trợ Lực lượng Bảo vệ Biên giới dựng các rào chắn tạm thời.
Lực lượng Bảo vệ Biên giới Phần Lan cho biết việc xây dựng rào chắn nhằm đảm bảo trật tự và an toàn công cộng trước tình hình bất ổn hiện nay và nhằm đảm bảo giao thông hợp pháp xuyên biên giới diễn ra an toàn.
Được biết, Vartius là một trong 4 cửa khẩu giữa Phần Lan và Nga còn mở cửa, sau khi Helsinki quyết định đóng các cửa khẩu khác ở miền nam với cáo buộc Moscow hướng người di cư và người xin tị nạn từ các nước thứ ba đến biên giới.
Phần Lan triển khai quân tới sát biên giới Nga. Ảnh: AFP
Ông Tomi Tirkkonen - phó chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Biên giới Phần Lan tại Kainuu - vùng miền đông Phần Lan bao gồm Kuhmo, nói rằng quân đội chỉ hỗ trợ xây dựng rào chắn và không hỗ trợ quân sự. "Tình hình hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Bảo vệ Biên giới", ông nói.
Việc đóng 4 cửa khẩu ở miền Nam hôm nhằm ngăn người vượt biên trái phép, chủ yếu là người di cư từ Syria, Yemen và Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen gọi đó là thông điệp rõ ràng cho Nga, cáo buộc Moscow dùng người di cư để thúc đẩy cuộc khủng hoảng tại châu Âu và gây bất ổn.
Trong khi đó, hãng tin RT đưa tin, phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc nước này vũ khí hóa di cư, nói là điều hoàn toàn vô căn cứ. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin, gọi hành động của quốc gia NATO là sai lầm lớn khi "chọn con đường đối đầu với Nga".
Triều Tiên cảnh báo Mỹ về việc bán tên lửa cho Nhật, Hàn
VnExpress dẫn nguồn hãng tin Reuters cho biết, Bộ Quốc phòng Triều Tiên hôm nay (20/11) tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp thiết lập răn đe để phản ứng với "tình trạng bất ổn trong khu vực do Mỹ và đồng minh gây ra". "Chúng tôi cảnh báo rằng Mỹ càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc bán vũ khí bừa bãi thì họ sẽ càng phải trả giá đắt hơn cho cuộc khủng hoảng an ninh", tuyên bố nêu.
Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản có kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk từ Mỹ, một phần trong kế hoạch tăng cường năng lực quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến II. Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 17/11 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán hai biến thể tên lửa Tomahawk cho Nhật Bản với tổng trị giá khoảng 2,35 tỷ USD.
Nhật Bản chưa sở hữu tên lửa hành trình tấn công tầm xa, do hiến pháp nước này quy định các khí tài quân sự chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. Nhật Bản gần đây diễn giải lại hiến pháp, cho phép họ tung đòn tấn công nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.
Mỹ gần đây cũng công bố phê duyệt việc bán tên lửa Sidewinder và SM-6 Block I - khí tài duy nhất của Washington có khả năng chặn đầu đạn siêu vượt âm cho phía Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên đồng thời cũng chỉ trích "mối đe dọa quân sự" từ Mỹ và các đồng minh, nói rằng họ sẽ thể hiện "khả năng phản công mạnh mẽ và áp đảo hơn" để đáp trả. Triều Tiên cũng cáo buộc các thỏa thuận bán vũ khí của Mỹ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Triều Tiên tuần trước thông báo đã thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn với sức đẩy lớn dành cho tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM), mà Bình Nhưỡng cho là cần thiết để tăng cường khả năng tấn công chiến lược của quân đội. IRBM là tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-5.500 km, nằm giữa tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Phương Uyên (T/h)