VTV Times đưa tin, bệnh nhân L.V. (56 tuổi, trú tại Hải Dương) nhập khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng khó thở nhẹ, mạch nhanh, huyết áp tụt, phụ thuộc thuốc vận mạch, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng quanh rốn…
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán: Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, biến chứng sốc (hay còn gọi là sốc nhiễm khuẩn cửa vào đường tiêu hoá), tổn thương thận cấp.
Trước đó, bệnh nhân ăn bánh cuốn, sau đó đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, dịch dạ dày, đau quặn bụng từng cơn, đau bụng liên tục, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân vàng, không có bọt, sốt nhẹ, toàn thân gai rét.
Nhờ phát hiện sớm các triệu chứng, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, chẩn đoán, điều trị đúng, tích cực bằng phác đồ điều trị hồi sức chống sốc, kháng sinh, cân bằng điện giải kiềm toan, dinh dưỡng tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện sau 5 ngày điều trị.
Sau khi ăn bánh cuốn, bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra thức ăn, dịch dạ dày, đau quặn bụng từng cơn, sốt nhẹ... Ảnh minh họa
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Thế - Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp đến viện vào giai đoạn muộn trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong. Tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh. Các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xuất phát từ những thực phẩm vệ sinh kém, là môi trường thuận lợi khiến người bệnh dễ dàng mắc bệnh.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, mọi người cần ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn. Tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ.
Khi gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp tránh để lại các biến chứng đe doạ tính mạng.
Theo báo Hà Tĩnh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu, điều trị thành công một trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, sốc nhiễm khuẩn nguy kịch.
Cụ thể, ngày 20/5, sản phụ P.T.M (xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sinh một bé trai với cân nặng 2,9kg. Sau sinh, trẻ tím tái toàn thân, khóc rên, ngừng thở kéo dài trên 20 giây, mạch quay nhanh nhỏ, suy hô hấp, suy tuần hoàn… nên đã được cấp cứu tại phòng Sinh.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Nhi để điều trị. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục hồi sức cấp cứu, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, rối loạn đông máu nặng/đẻ mổ 37 tuần do mẹ đa ối.
Bác sĩ Dương Văn Giáp - Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi trước khi cho xuất viện. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Quá trình điều trị, bệnh nhi được hồi sức cấp cứu tích cực, triển khai kỹ thuật đặt động mạch rốn, tĩnh mạch rốn, theo dõi huyết áp, nhịp tim, điện tim, nước tiểu liên tục, thở máy cao tần, thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, điều chỉnh các rối loạn đông máu, rối loạn điện giải.
Sau 18 ngày điều trị tại khoa Nhi, bệnh nhi tỉnh táo, tự thở, phản xạ bú và ăn được sữa mẹ, sức khỏe ổn định. Đến chiều 7/6, bệnh nhi đã được xuất viện.
Bác sĩ Dương Văn Giáp - Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Tình trạng của bệnh nhi rất nặng với sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, nếu không điều trị tích cực, kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Trong giai đoạn sơ sinh thì sức đề kháng của các bé rất yếu, hoàn toàn phụ thuộc vào miễn dịch mẹ và con. Mặc dù được xem là bệnh nguy hiểm nhưng các triệu chứng của nhiễm khuẩn sơ sinh khá giống với triệu chứng của một vài bệnh lý hô hấp và nhiễm khuẩn khác.
Vì vậy, các bà mẹ trong quá trình mang thai cần hết sức lưu ý, một số thai phụ có thể bị nhiễm khuẩn nhưng không có các triệu chứng lâm sàng. Ngay từ khi mang thai, các mẹ cần tuân thủ khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa sản để kiểm soát tốt và có biện pháp can thiệp kịp thời các nhiễm khuẩn có thể xảy ra cho thai nhi”.
Tạp chí Tri Thức đưa tin, 1 ngày sau khi ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia, người đàn ông 30 tuổi (ngụ TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) bắt đầu sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều.
Theo thông tin từ Sở Y tế Yên Bái, ngay sau khi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, người đàn ông được khám và làm một số các xét nghiệm như chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động.
Kết quả cho thấy anh dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus suis). Người bệnh đang được điều trị và chăm sóc tại khoa Truyền nhiễm.
1 ngày sau khi ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia, người đàn ông bắt đầu sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Ảnh minh họa: Shutterstock
Được biết, đây là trường hợp thứ 2 mắc liên cầu lợn được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, kể từ đầu tháng 5.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái đã cử cán bộ phối hợp điều tra, giám sát, báo cáo theo quy định. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Y tế TP.Yên Bái chỉ đạo trạm y tế xã, phường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bệnh liên cầu lợn trên địa bàn để đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, xác minh ca bệnh theo mẫu, báo cáo nhanh trường hợp mắc bệnh theo quy định.
CDC Yên Bái dự báo tình hình bệnh liên cầu lợn vẫn còn diễn biến phức tạp, do dịch bệnh liên cầu lợn trên động vật không biểu hiện triệu chứng, người dân còn chủ quan, hiểu biết về bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các món ăn như tiết canh, đồ tái, chế biết thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm của người dân vẫn còn, nguy cơ mắc bệnh là rất cao.