Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 7/6, bác sĩ Đào Hữu Nam – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết cơ sở y tế này đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi bị chó nhà cắn rồi khởi phát bệnh dại. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn.
Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện 1 tháng, bệnh nhi bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm vaccine phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị chó nhà cắn, bệnh nhi được rửa vết thương bằng xà phòng nhưng không được đưa đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
3 tuần sau, bệnh nhi lên cơn sốt, biểu hiện bất thường thì mới được đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi ngày càng nặng, chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu. Ảnh: VTV Times
Bệnh nhi được làm các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, sinh thiết da gáy. Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhi đã mắc bệnh dại. Bệnh nhi được chỉ định sử dụng thuốc vận mạch, điều trị theo đích tăng áp lực nội sọ và hỗ trợ hô hấp. Hiện tại, bệnh nhi vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Đào Hữu Nam, đa số các trường hợp trẻ nhập viện do mắc bệnh dại đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh. Cùng với đó, cha mẹ cũng có tâm lý chủ quan, cho rằng bị chó nhà cắn là chó bình thường, không mắc bệnh; tâm lý e ngại với vaccine phòng dại. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình.
Bác sĩ Nam khuyến cáo, nếu trẻ không may bị súc vật tấn công, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí vết thương, tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời.
VietNamNet đưa tin, bé gái B.V (10 tuổi, ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh.
Gia đình cho biết trước thời điểm nhập viện 20 phút, khi ngủ trưa, bé V. vô tình chạm chân vào sạc điện thoại đang cắm điện. Phát hiện cháu co giật, mất ý thức, người nhà lập tức ngắt nguồn điện và đưa bé đi cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương - khoa Cấp cứu Hồi sức - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, kích thích, đau ngực trái, run tay chân 2 bên.
Các bác sĩ nhanh chóng xử trí bằng truyền dịch, cho thở oxy. Sau 20 phút hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, tỉnh táo, không khó thở, không đau ngực. Đến ngày 7/6, các chỉ số sinh tồn của bé V. đã về mức bình thường.
Để tránh những rủi ro không đáng có do sạc điện thoại, bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng và ý thức hơn khi sử dụng thiết bị sạc, nhất là gia đình có con nhỏ. Khi phát hiện trẻ bị giật điện, cần tách trẻ với nguồn điện như ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao một cách nhanh nhất có thể, sau đó đưa ngay trẻ đến sơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nam bệnh nhân N.V.C (49 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do chỉ số vàng da tăng cao. Bệnh nhân có tiền sử bị sỏi thận nhiều năm nhưng không thường xuyên khám và điều trị.
10 năm trước, anh C đã từng uống thuốc nam và đái ra sỏi, từ đó không đi khám vì không thấy đau. Gần đây, trong lần đưa người nhà đi khám, anh "tranh thủ" vào siêu âm có kết quả sỏi thận nhiều 2 bên. Sau đó, anh về nhờ hàng xóm mua hộ thuốc nam không rõ nguồn gốc, không nhãn mác để điều trị sỏi thận.
Uống được nửa tháng, không những không "tống" được sỏi ra ngoài, anh C. thấy ngứa trong người, mệt mỏi, ăn kém, vàng da tăng dần mới chủ động đến cơ sở y tế khám và phát hiện bị ngộ độc gan.
Sau một tuần nhập viện điều trị không cải thiện, anh C. đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để chữa trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số vàng da của anh C. tăng cao (bilirubin lên đến 322 micromol/lít, trong khi đó chỉ số bình thường là dưới 17).
Các bác sĩ cho hay, về lâu dài bệnh nhân cần can thiệp tán sỏi để giải quyết tình trạng sỏi gây tắc nghẽn. Ảnh: Công An Nhân Dân
Sau một thời gian điều trị viêm gan nhiễm độc, vàng da đã đỡ hơn nhưng theo các bác sĩ, về lâu dài bệnh nhân cần can thiệp tán sỏi để giải quyết tình trạng sỏi gây tắc nghẽn.
Báo Công An Nhân Dân dẫn lời bác sĩ CKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay bản chất của thuốc nam rất tốt. Tuy nhiên, khi bảo quản có cơ sở đã dùng diêm sinh hay lưu huỳnh, hoặc có một số chất bảo quản, phụ gia khác.
Các chất đó có thể gây ra vàng da, men gan tăng cao, dẫn đến các chức năng của gan bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường. Khi những chất độc này vào cơ thể, chúng làm hủy hoại tế bào gan, dần dần làm suy giảm chức năng gan.
Khi gan không đảm bảo được các chức năng bình thường thì dẫn đến suy gan, suy đa tạng như hội chứng não gan, hội chứng gan thận. Lúc này, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan, tiên lượng tử vong cao.
Qua đây, bác sĩ Huyền khuyến cáo người dân, trước khi uống bất kỳ một loại thuốc gì phải tìm hiểu rõ nguồn gốc. Khi uống mà thấy mệt mỏi, khó chịu, phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay.