Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 5/6/2024: Người đàn ông ngưng tim 10 phút do điện giật

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/6/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 5/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông ngưng tim, ngưng thở 10 phút do điện giật

Theo thông tin Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, đến ngày 4/6, tình trạng sức khoẻ của ông L.M.T. (41 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) bị ngưng tim, ngưng thở 10 phút do điện giật đã ổn định sức khoẻ, tỉnh táo và đang tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Trước đó, ông L.M.T. nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở ngoại viện 10 phút do bị điện giật tại nhà. Đáng lưu ý, bệnh nhân không được sơ cứu trước khi vào bệnh viện.

Ngay lập tức, các bác sĩ thực hiện sốc điện 2 lần kết hợp cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn nâng cao. Sau 5 phút giành giật sự sống, người bệnh có nhịp tim trở lại, bắt đầu có những nhịp tự thở, phản xạ đồng tử có phản ứng nhưng huyết áp tụt, phải dùng thuốc vận mạch.

Sau khi cấp cứu ban đầu, các bác sĩ nhận định bệnh nhân cần can thiệp những biện pháp chuyên sâu, ekip trực đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ CKI Võ Văn Út - khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đang thực hiện kỹ thuật ép tim khi cấp cứu người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo TTXVN, bác sĩ Võ Văn Út - khoa Khám bệnh cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, điện giật là tai nạn nguy hiểm thường gặp, tác động của dòng điện có thể làm tử vong hoặc tổn thương bất kỳ bộ phận hay chức năng của cơ thể con người.

Vì thế, việc sơ cứu người bị nạn đúng và an toàn góp phần cứu sống nạn nhân, tránh các nguy cơ tổn thương não do thiếu oxi như sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật. Trường hợp này rất may mắn vì được đưa đến khoa cấp cứu kịp thời và được sốc điện lập tức để giải quyết rối loạn nhịp nên giảm được những biến chứng về sau.

Các bác sĩ khuyến cáo, việc cấp cứu ngừng tim cần thực hiện ngay lập tức tại hiện trường, ngay sau khi đã đưa người bệnh ra khỏi vị trí nguy hiểm. Người phát hiện nên lập tức thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho người bệnh và gọi cấp cứu hỗ trợ.

Trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện, nếu người bệnh chưa hồi tỉnh, hãy cố gắng đảm bảo duy trì ép tim ngoài lồng ngực liên tục. Có thể kết hợp thổi ngạt đúng cách (nếu biết), hoặc nếu không chỉ cần đảm bảo ép tim liên tục là đã góp phần tăng khả năng hồi phục và giảm nguy cơ tổn thương não, giúp cho tiên lượng sống của người bệnh sau này cao hơn.

Ngoài ra, người thân cần chú ý kiểm tra các chấn thương kèm theo do té ngã sau khi nạn nhân bị điện giật, nhất là chấn thương cột sống cổ. Khi vận chuyển, nên để người bệnh nằm thẳng kèm theo cố định cột sống cổ, nếu không có phương tiện chuyên dụng, có thể dùng gối hoặc khăn vải cuộn tròn chèn 2 bên cổ tránh di động đầu cổ nhiều trong khi vận chuyển. Không nên bồng vác, xốc người bệnh nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống.

Đặc biệt, người dân cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện trong nhà để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngã đập đầu xuống nền nhà, bé 6 tuổi bị vỡ xương đỉnh phải

Theo VietNamNet, bé L.T.T.T (6 tuổi, trú tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị ngã đập đầu xuống nền nhà. 3 ngày sau, bé T. xuất hiện các triệu chứng đau đầu nhiều, kèm theo nôn nên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn khám.

Bác sĩ thăm khám và chỉ định cho bé T. làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng, vỡ xương đỉnh phải. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị tụ máu ngoài màng cứng thùy trán phải, kèm theo vỡ xương đỉnh phải. Các bác sĩ tư vấn và giải thích gia đình chuyển bệnh nhi đi tuyến trên để điều trị, tránh để lại biến chứng nặng nề.

Theo bác sĩ CKI Đinh Đại Lâm - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, tụ máu ngoài màng cứng là tình trạng bệnh lý thần kinh đáng ngại, thường xuất hiện khi vùng đầu bị chấn thương, va đập hoặc u não, đột quỵ xuất huyết não gây ra khối máu tụ. Hiện tượng tụ máu não có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Lâm khuyến cáo người lớn cần bảo vệ chính mình khỏi những chấn thương vùng đầu, trẻ nhỏ cần phải có người lớn theo dõi hoặc hướng dẫn an toàn. Khi một người không may gặp chấn thương vùng đầu, cần phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. 

Kịp thời cấp cứu sản phụ  tiền sản giật, suy thai non tháng

VOV đưa tin Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vừa cấp cứu kịp thời cho một sản phụ mang thai 32 tuần 4 ngày bị tiền sản giật, nhau bong non, suy thai cấp và mổ bắt con thành công.

Trước đó, ngày 28/5/2024, thai phụ T.T.N.T (35 tuổi), nhập viện khoa Sản Bệnh viện Lê Văn Việt trong tình trạng huyết áp cao, nhức đầu. Chẩn đoán thai phụ mang thai lần 3, thai 32 tuần, tiền sản giật nặng, các bác sĩ điều trị theo phác đồ tiền sản giật nặng với thuốc ngừa co giật, thuốc hạ áp, thuốc trưởng thành phổi thai nhi.

Tình trạng thai phụ đáp ứng thuốc, huyết áp được duy trì ổn định, tình trạng thai nhi, các xét nghiệm bình thường.

4 ngày sau, thai phụ đột ngột gò cứng bụng, đau nhiều. Siêu âm khẩn, các bác sĩ nghi ngờ nhau bong non, kèm suy thai cấp. Ekip trực nhanh chóng hội chẩn khẩn cấp cùng các khoa Gây mê hồi sức, khoa Nhi, triển khai mổ cấp cứu ngay để không nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và thai nhi.

Y bác sĩ hồi sức em bé sau mổ. Ảnh: VOV

Bác sĩ mổ cấp cứu bắt ra em bé cân nặng 1.900g, không khóc, trương lực cơ mềm, phản xạ yếu... Sau khi được hồi sức, bé hồng hào trở lại, tự thở với oxy. Trong quá trình mổ, bác sĩ phát hiện thêm dây rốn thắt nút 1 vòng. Người mẹ có băng huyết, máu tụ sau bánh nhau, được hồi sức bằng các thuốc cầm máu.

Sau 40 phút, ca mổ kết thúc. Sức khỏe người mẹ ổn định, em bé non tháng được chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) để theo dõi tiếp. Dự kiến 2 ngày tới, hai mẹ con sản phụ sẽ được xuất viện.

Theo các bác sĩ, nhau bong non là tình trạng cấp cứu sản khoa, do bánh nhau bám đúng vị trí nhưng bong trước khi em bé được sinh ra, khiến việc trao đổi tuần hoàn giữa mẹ và con bị đứt đoạn. Hậu quả có thể làm suy thai, chết thai, mất máu, nặng hơn là rối loạn đông máu, ảnh hưởng tính mạng người mẹ.

Tin nổi bật