VTC News dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trưa 10/5, bé T. (11 tuổi, ở Cao Bằng) cùng các bạn leo cột điện cao thế bắn chim thì bị điện giật, ngã từ cột điện cao 10m xuống đất.
Bệnh nhi bất tỉnh 15 phút. Tỉnh lại, bệnh nhi đau toàn thân, khó thở, chảy nhiều máu mũi, được người dân xung quanh đưa vào trạm y tế sơ cứu, rồi chuyển đến bệnh viện tỉnh.
Các bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển T. đến khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng lơ mơ, toàn thân nhiều vết xây xát, bỏng ở vùng bụng, vùng ngực, nách, cánh tay bên trái và vùng cổ, mặt.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán shock bỏng điện, đa chấn thương, bỏng điện độ II, III, IV, diện tích khoảng 15% diện tích cơ thể. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa điều trị các tổn thương đa cơ quan do điện giật, ngã cao và chăm sóc đặc biệt vùng tổn thương hoại tử do bỏng điện.
Ngày 11/5, tình trạng bệnh nhi ổn định, T. được chuyển đến Đơn vị Bỏng – khoa Chỉnh hình để tiếp tục điều trị, xử lý các vết thương bỏng.
Bệnh nhi được chẩn đoán shock bỏng điện, đa chấn thương, bỏng điện độ II, III, IV, diện tích khoảng 15% diện tích cơ thể. Ảnh: VTC News
ThS.BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, bệnh nhi được lập kế hoạch kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày.
Các y bác sĩ áp dụng các liệu pháp tư vấn tâm lý giúp bệnh nhi giảm đau, hướng dẫn cho gia đình tập phục hồi chức năng cho trẻ. Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt.
"Chúng tôi sẽ mổ cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da vùng cánh tay, nách, ngực để đảm bảo phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho trẻ", bác sĩ Sáng nói.
Theo VietNamNet, ThS.BS Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết nam bệnh nhân tên N.T.C (quê Bắc Giang) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và không thể qua khỏi do suy kiệt.
Cách đây 3 tuần, anh C. vào viện khám vì đau bụng, chán ăn, nôn ói, đi ngoài phân đen. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, khối u đã lan rộng nên không thể phẫu thuật. Bác sĩ tư vấn anh C. điều trị nội khoa trước để thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, nam bệnh nhân từ chối điều trị để về nhà uống thuốc lá.
Tại nhà, người bệnh uống nước ion kiềm với hy vọng thải độc, thu nhỏ khối u. 20 ngày sau, bệnh nhân vào cấp cứu. Lúc này, mọi nỗ lực của bác sĩ đều không giữ được mạng sống cho anh C.
Theo quảng cáo của các nhà sản xuất, nước ion kiềm có nhiều tác dụng như làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ đường ruột, ổn định huyết áp, tăng sức đề kháng, giải độc, phòng chống ung thư, giảm mỡ, giải bia rượu.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hiện chưa có nghiên cứu khẳng định tính chính xác về công dụng của loại nước này. Nước ion kiềm đóng chai chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể nhưng không phải là thuốc. Vì vậy, loại nước trên không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Lợi ích nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều bao gồm rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường) gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi nhập khoa cấp cứu với triệu chứng đau bụng vùng thượng vị âm ỉ kèm chán ăn, bụng chướng, chậm tiêu.
Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp khám lâm sàng ghi nhận: bệnh nhi bụng chướng nhẹ, sờ thấy có một khối ở vùng thượng vị và hạ sườn trái, giới hạn tương đối rõ, kích thước khoảng 20cm x 10cm, di động được, mật độ chắc. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu với chẩn đoán trước phẫu thuật: Dị vật đường tiêu hóa nghi ngờ do búi tóc (hội chứng Rapunzel).
Các bác sĩ lấy ra khối búi tóc rất lớn, kích thước khoảng 20cmx10cmx5cm và nặng 700g. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
EKíp phẫu thuật do bác sĩ CKII Nguyễn Việt Phương - Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp và bác sĩ CKI Ngô Xuân Lộc tiến hành mở dạ dày lấy ra khối búi tóc rất lớn, lấp gần toàn bộ dạ dày, kích thước khoảng 20cmx10cmx5cm, cân nặng 700g. Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, không có biến chứng sau mổ. Bệnh nhi đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ, hội chứng Rapunzel là một bệnh cảnh hiếm gặp, có liên quan đến rối loạn ăn tóc (trichophagia). Chứng nhổ tóc bệnh lý được DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Mỹ) xếp vào nhóm "Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan".
Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17. Bệnh làm cho trẻ cảm thấy lo buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như mối quan hệ gia đình của trẻ. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như trường hợp bệnh nhi trên.
Nếu phụ huynh thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như ăn tóc hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ, hãy đưa trẻ đến các bệnh viện để nhận được sự giúp đỡ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.