Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 9/12: Giẫm phải đinh gỉ, người đàn ông bị cứng hàm không há được miệng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/12/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/12/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Giẫm phải đinh gỉ, người đàn ông bị cứng hàm không há được miệng

Theo thông tin trên VnExpress, sau 2 tuần giẫm phải đinh gỉ, người đàn ông 58 tuổi bị cứng hàm không há được miệng, suy hô hấp. Bác sĩ Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết khi nhập viện bệnh nhân đã suy hô hấp, viêm phổi, cứng hàm, chẩn đoán uốn ván giai đoạn nặng.

Các bác sĩ phải áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như kiểm soát hô hấp nhân tạo, mở khí quản thở máy, dùng huyết thanh kháng độc liều cao đồng thời kiểm soát các triệu chứng và biến chứng. Sau 4 tuần điều trị, người bệnh tỉnh, cai được máy thở, hết co giật, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), uốn ván (tetanus) là bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là cứng cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí điều trị tốn kém và tỷ lệ tử vong cao. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

Thời gian ủ bệnh thường 3-21 ngày, có thể từ một ngày đến vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Hầu hết trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn uốn ván. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn.

Vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới hai dạng là dạng nha bào tồn tại ngoài môi trường và dạng hoạt động tồn tại trong cơ thể thông qua vết thương. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí điều trị tốn kém và tỷ lệ tử vong cao.

Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da. Bệnh nhân trên đã chủ quan không tiêm phòng uốn ván sau khi đạp phải đinh.

Bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ cao như nông dân, người làm công việc dọn vệ sinh, công nhân xây dựng, tiếp xúc trực tiếp với đất cát, bụi bẩn, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sinh nở, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên tiêm phòng uốn ván đủ liều. Khi bị vết thương ngoài da, đặc biệt là vết thương bị nhiễm bẩn, dính đất cát, bụi bẩn, cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách và tiêm phòng sớm.

Nút mạch thành công cho bệnh nhân bị dị dạng mạch thận hiếm gặp

VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa can thiệp nút mạch thành công cho một nam bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch thận phải có ổ phình lớn.

Cụ thể, cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân N.Đ.T. (47 tuổi, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện triệu chứng đau tức vùng thắt lưng, đi khám nhiều nơi với chẩn đoán bệnh không rõ ràng. Thời gian gần đây, những cơn đau quặn thắt lưng lan vùng ngực dày đặc và dữ dội hơn, đặc biệt là khi lao động, đi lại nhiều.

Qua siêu âm, nghi ngờ dị dạng động mạch thận, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch thận đánh giá thêm. Kết quả cho thấy hình ảnh các mạch máu giãn trong xoang thận kèm túi phình kích thước 21x22mm, tĩnh mạch thận phải giãn rộng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) thận phải. Hội chẩn liên khoa đánh giá AVM thận phải có túi phình kích thước lớn gấp 10 lần so với bình thường, dọa vỡ nguy hiểm, các bác sĩ quyết định can thiệp nút mạch điều trị khối dị dạng thông động tĩnh mạch thận để tránh biến chứng vỡ mạch khó lường, nguy cơ sốc mất máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

Ca can thiệp diễn ra thành công thuận lợi trong 30 phút, mạch và huyết áp người bệnh ổn định. Bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp, không đau đớn. Sau 1 ngày, bệnh nhân đi lại, vận động bình thường, hồi phục nhanh, xuất viện trong thời gian ngắn.

XEM THÊM: Sinh con đầu lòng ở tuổi 45 sau 5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung

Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) thận là sự lưu thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch mà không qua đường mao mạch. Đây là tổn thương hiếm gặp chiếm 0,04% dân số, giai đoạn đầu khó phát hiện qua siêu âm nên bệnh thường chẩn đoán muộn, nhờ sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nên tỷ lệ này có xu hướng tăng lên.

Trước đây, dị dạng thông động tĩnh mạch thận  phải thực hiện phẫu thuật cắt thận bán phần hoặc toàn bộ để xử trí ổ dị dạng nhưng đây là phương pháp rất nặng nề, bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ đau đớn, hồi phục chậm, điều trị kéo dài, gây suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh về sau.

Với xu hướng phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn, can thiệp nút mạch ngày càng được áp dụng rộng rãi giúp bảo tồn tối đa nhu mô thận lành, hạn chế thấp nhất biến chứng, bệnh nhân điều trị nhẹ nhàng, không phải trải qua cuộc mổ nặng nề, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị.

Cụ ông hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật điều trị vỡ động mạch chủ bụng

Theo báo Thái Nguyên, 3 tháng sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân Đ.V.B (73 tuổi, trú tại huyện Đại Từ) bị viêm rò phình động mạch chủ bụng, khối máu thoát ra trong tình trạng rất nguy kịch, đã phục hồi hoàn toàn.

Trước đó, ngày 6/9, ông B. nhập khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, ông được chẩn đoán viêm rò phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, khối máu lớn thoát ra từ lỗ rò động mạch chủ bụng được các quai ruột và mạc nối bao bọc lại.

Sức khỏe bệnh nhân hiện đã trở lại bình thường. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Tình trạng của bệnh nhân rất nguy hiểm, nếu không được phẫu thuật kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao, do khối phình động mạch chủ bụng đã vỡ, được bọc lại thành bọc máu lớn và bị nhiễm trùng nặng.

Sau khi được điều trị nhiễm trùng bằng phương pháp nội khoa, các bác sĩ khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực đã hội chẩn toàn khoa và với các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, lồng ngực.

Tiếp đó, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ khối phình và khâu nối thay đoạn động mạch chủ bụng hình chữ Y, bảo tồn tối đa 2 động mạch chậu trong 2 bên và động mạch mạc treo tràng dưới.

Sau phẫu thuật, ông B. được hồi sức tích cực, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn và tình trạng mạch ngoại vi. Quá trình hồi phục của người bệnh diễn ra thuận lợi, ông B. được xuất viện. Đến nay, qua tái khám, sức khỏe của bệnh nhân đã trở lại bình thường.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật