Nhập viện vì đau đầu, có nôn ói, bé gái được chẩn đoán chấn thương sọ não
Theo thông tin trên tạp chí điện tử Tri Thức, Bệnh viện Nhi Đồng Nai cho biết N.M.T. (4 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, có đau đầu, kết quả chẩn đoán bị chấn thương sọ não nhưng không có biểu hiện đặc trưng.
Gia đình bệnh nhi kể trước đó, bé bị ngã cầu thang, sau đó vẫn tỉnh táo, không có biểu hiện gì nên gia đình chủ quan không đi khám. Qua ngày hôm sau, cháu than đau đầu, có nôn ói nhẹ nên người nhà đưa bé vào bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho hay qua chụp CT Scanner, phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng vùng trán tương đương quả cam chèn ép não trán. Các bác sĩ đã khẩn trương mổ cấp cứu khoan cưa sọ vùng trán lấy máu tụ. Hiện sức khoẻ bé gái ổn định, sẽ được xuất viện sớm.
Các bác sĩ mổ cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh: Tri Thức
Theo bác sĩ Toàn, trường hợp này là một trong những ca khám cấp cứu thần kinh khó, mang tính chất cạm bẫy, dễ bị đánh lừa. Lý do là bé không có những biểu hiện đặc trưng của những ca chấn thương sọ não cấp cứu như: đau đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê, có giật, yếu liệt…
Nếu không nhờ vào hình ảnh học như: X-quang, siêu âm, CT thì sẽ không chẩn đoán ra bệnh, dẫn đến bỏ sót, sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân cũng như để lại di chứng nặng nề.
Bác sĩ Toàn khuyến cáo, trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chấn thương sọ não cao, do độ tuổi này, trẻ thường hiếu động thích khám phá xung quanh, thường xuyên chạy nhảy vui chơi nhưng chưa nhận thức đúng được mối nguy hiểm xung quanh.
Vì thế, nếu trường hợp trẻ bị ngã hoặc tai nạn có va đập phần đầu, gia đình cần theo dõi kỹ, nếu có các biểu hiện: ngủ li bì, tinh thần đờ đẫn, khù khờ bất thường nhưng không phải do cảm sốt, mệt mỏi, trẻ mất khả năng đi đứng, giữ thăng bằng... cần cho trẻ nhập viện để kịp thời chẩn đoán, điều trị.
Phẫu thuật cấp cứu bé sơ sinh bị teo ruột phức tạp
VTV News đưa tin bé sơ sinh 30 giờ tuổi, cân nặng 3.700 gram, được chuyển từ tuyến dưới đến cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, trong tình trạng nôn nhiều dịch xanh, bụng chướng, chưa đại tiện phân su, thăm hậu môn chỉ thấy kết thể màu trắng.
Nhận định đây là những triệu chứng của tắc ruột sơ sinh, song song công tác khẩn trương hồi sức tích cực, bệnh nhi đã được chỉ định chụp CT bụng có thuốc cản quang để chẩn đoán. Kết quả chụp CT bụng có hình ảnh tắc ruột.
Sau khi xác định chính xác đây là bệnh lý tắc ruột sơ sinh, bệnh nhi đã được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi chưa đầy 2 ngày tuổi.
Bệnh nhi được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi chưa đầy 2 ngày tuổi. Ảnh: VTV News
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy bệnh nhi bị teo ruột non gián đoạn tại 2 vị trí khác nhau (đây chính là nguyên nhân gây tắc ruột cho bệnh nhi). Theo phân loại thuộc type IV – một kiểu teo ruột rất hiếm gặp và khó điều trị: đoạn ruột phía trên giãn to, đường kính lớn hơn 4 lần so với đoạn ruột phía dưới.
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau gần 2 tiếng, bệnh nhi đã được cắt bỏ đoạn ruột teo làm sinh thiết và nối ruột với tổng cộng 2 miệng nối. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhi đã ăn sữa và tự đi ngoài được, bụng không chướng, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKI Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, tắc ruột ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân, có thể do tắc tá tràng; ruột quay dở dang; phình đại tràng bẩm sinh; teo ruột… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc do biến chứng thủng ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất, trong đó phẫu thuật điều trị teo ruột là khó nhất. Do sự chênh lệch lớn khẩu kính giữa 2 đoạn ruột, sau khi nối nguy cơ bục, xì, rò miệng nối rất cao nên đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề và chuyên môn cao.
Ghép giác mạc mắt phải cho nam bệnh nhân 50 tuổi
Báo Người Lao Động đưa tin chiều 6/12, PGS.TS Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết sáng cùng ngày, bệnh viện đã thực hiện ca ghép giác mạc đầu tiên từ nguồn hiến là người tình nguyện tại cộng đồng. Đây cũng là ca ghép thứ 4 trong năm 2023. Các trường hợp ghép giác mạc trước đó từ nguồn hiến người chết não.
Người hiến giác mạc là nam giới (40 tuổi, ở Bắc Giang) tử vong do bệnh lý về phổi. Trước đó, gia đình người đàn ông này từng có người thân hiến giác mạc, nên ngay sau khi bệnh nhân mất, gia đình đã liên hệ với Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương hiến tặng giác mạc.
Ca ghép giác mạc được thực hiện bởi PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương và y bác sĩ. Ảnh: Người Lao Động
Thông tin về ca ghép, PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, đó là bệnh nhân nam (50 tuổi, ở Hà Nội) bị bệnh lý về giác mạc sau chấn thương, đã chờ ghép gần 6 năm.
Tình trạng tổn thương giác mạc của bệnh nhân gây kích thích, đau đớn, ảnh hưởng công việc và cuộc sống. Bệnh nhân được ghép giác mạc mắt phải. Sau ca ghép, bệnh nhân ổn định. Dự kiến, người bệnh sẽ được ra viện sau 1 tuần.
"Giác mạc như thấu kính trong suốt đóng vai trò quan trọng trong hệ quang học của mắt nên khi bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực. Ghép giác mạc là phẫu thuật thay thế giác mạc bệnh lý bằng giác mạc bình thường của người hiến.
Bệnh lý về giác mạc khá phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu do viêm loét giác mạc, di truyền, tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo sẹo... Những người này, nếu được ghép giác mạc sẽ phục hồi thị lực, trở lại sinh hoạt bình thường", PGS.TS Lê Xuân Cung nói.
XEM THÊM: Bệnh viện nào tại Việt Nam pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới?
Ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 bệnh nhân được ghép. Trong số này, 50% ca ghép giác mạc từ người hiến tình nguyện ở các tỉnh, thành, nhiều nhất là Ninh Bình và Nam Định.
Tại Ngân hàng Mắt Trung ương, hiện có khoảng 1.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc, tuy nhiên nguồn giác mạc từ người hiến tặng sau khi qua đời vẫn còn hạn chế.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương, trước dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành đã huy động được lực lượng cộng tác viên vận động hiến tặng giác mạc. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình là địa phương đi đầu trong cả nước về số người hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho hàng trăm người bệnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, phong trào này thời gian qua ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đinh Kim (T/h)